NBBS: Xin hân hoan gửi lời chào đến tất cả quý thính giả của Podcast Người bạn bác sĩ, tôi hy vọng quý vị đã theo dõi các chương trình vừa qua của chúng tôi. Tôi là Bác sĩ Mai Anh Đoàn và hôm nay rất lấy làm hân hạnh được chào đón Bác sĩ Trần Đức Huy đến để chia sẻ kinh nghiệm của bác sĩ với chúng ta. Trước hết tôi xin có vài lời giới thiệu về Bác sĩ Huy. Bác sĩ Trần Đức Huy tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010 và đậu vào chương trình bác sĩ nội trú Ngoại tổng quát. Sau đó anh hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú năm 2014 và về công tác tại bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ Huy đã có nhiều năm công tác tại Khoa Ngoại tiêu hóa của bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện Nhân dân Gia Định, và hiện tại đang làm việc tại Đơn vị Phẫu thuật đại trực tràng thuộc Khoa Ngoại tiêu hóa bệnh viện Đại học Y Dược – đơn vị chẩn đoán và điều trị hơn 1.000 lượt ung thư đại trực tràng và phẫu thuật 600 ca ung thư đại trực tràng mỗi năm. Bác sĩ Huy từng có thời gian tu nghiệp tại Viện ung thư quốc gia Tokyo ở Nhật Bản vào năm 2018 về phẫu thuật nội soi đại trực tràng nâng cao. Bác sĩ Huy cũng là tác giả chính và đồng tác giả của nhiều bài báo y khoa về ung thư đại trực tràng.
Xin kính chào Bác sĩ Huy và xin mời Bác sĩ Huy gửi lời chào đến quý thính giả của chúng ta.
BS Huy: Xin chào chị, xin chào quý khán giả của chương trình Podcast Người Bạn Bác Sĩ. Rất là vinh dự được đồng hành cùng chương trình hôm nay để trao đổi một chút thông tin cần thiết và bổ ích liên quan đến ung thư đại trực tràng. Hy vọng là những thông tin trao đổi ngày hôm nay sẽ giúp ích được cho quý khán thính giả có thêm được những hiểu biết cơ bản và cũng có thể là một chút gì đó nâng cao về ung thư đại trực tràng.
NBBS: Xin cảm ơn bác sĩ Huy rất nhiều. Trước tiên BS có thể cho quý thính giả biết về tình hình ung thư đại trực tràng ở Việt Nam và trên thế giới?
BS Huy: Về ung thư đại trực tràng, ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung thì cũng có nhiều điểm tương đồng. Nếu như cách đây khoảng hơn một thập kỷ thì ung thư đại trực tràng (còn gọi là ung thư của ống tiêu hóa) vẫn xếp sau một số ung thư, ví dụ như là ung thư dạ dày, ung thư gan; thì chỉ trong vòng khoảng hai thập kỷ gần đây, tốc độ phát triển của ung thư đại trực tràng đã tăng lên khá nhiều mặc dù khoa học cũng đã có những tiến bộ nhất định. Ví dụ như là trong ung thư gan có việc tầm soát và điều trị viêm gan siêu vi B, hoặc là trong ung thư dạ dày có việc phát hiện và tầm soát điều trị Helicobacter pylori, hoặc là ngay cả trong ung thư đại trực tràng, chúng ta vẫn triển khai việc tầm soát và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên là ung thư đại trực tràng vẫn tăng theo từng năm, kể cả số mới mắc (tức là số mắc theo từng năm) và thậm chí là số tử vong tuyệt đối vẫn tăng theo. Và hiện nay con số này đang có xu hướng vượt qua những ung thư khác như ung thư dạ dày, ung thư gan. Theo thông tin của GLOBOCAN năm 2020, thì ung thư đại trực tràng hiện nay chỉ đứng hàng thứ ba thôi, nghĩa là chỉ còn xếp sau những loại ung thư đặc biệt như là ung thư phổi, hoặc là ung thư vú ở nữ, hoặc là ung thư tuyến tiền liệt ở nam thôi.
NBBS: Như vậy thì theo bác sĩ, những nhóm bệnh nhân nào có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao nhất?
BS Huy: Hiện nay người ta đã có những nghiên cứu đầy đủ về các nguy cơ làm phát triển ung thư đại trực tràng. Hơn nữa, trong tất cả các bệnh ung thư thì chúng ta cũng biết là ung thư là bệnh đa yếu tố – có nghĩa là không yêú tố đơn độc nào là thủ phạm duy nhất khiến bệnh nhân mắc ung thư. Tuy nhiên, có thể sắp xếp các yếu tố nguy cơ mà người ta đã xác nhận theo cấp bậc từ yếu tố nguy cơ cao nhất đến thấp nhất. Yếu tố guy cơ cao nhất được ghi nhận trong y văn là các yếu tố nguy cơ về di truyền hoặc là yếu tố gia đình. Nghĩa là gia đình mà có người mắc ung thư đại trực tràng thì những người thân, đặc biệt là những người thân trực hệ (bố mẹ ruột, anh chị em ruột) là những đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc ung thư đại trực tràng. Hoặc là những trường hợp cá nhân người bệnh có những biểu hiện về viêm loét đại trực tràng mạn tính đã được chẩn đoán. Ví dụ như là bệnh viêm loét đại trực tràng (ulcerative colitis) hoặc là bệnh lý Crohn; đặc biệt là trong bệnh viêm loét đại trực tràng thì quá trình viêm loét kéo dài cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm những biến đổi trên thành ruột trở thành ung thư. Ngoài ra thì có những yếu tố mà người ta xác nhận có nguy cơ thấp hơn nhưng vẫn có sự liên quan với ung thư đại trực tràng, ví dụ như là lối sống lười hoạt động thể lực, chế độ ăn nhiều thịt đỏ. Những thông tin này phần nào giải thích cho ý mà lúc nãy tôi vừa mới trao đổi – đó là tại sao ung thư đại trực tràng ngày càng tăng. Bởi vì lối sống hiện đại ngày nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư đại trực tràng: vận động thể lực ít hơn trong khi chế độ ăn fast food nhiều hơn. Nên dù y khoa đã phát triển, người dân đến tầm soát đều thì ung thư đại trục tràng vẫn tăng đều theo thời gian.
NBBS: Cảm ơn bác sĩ. Vậy thì nếu mà trong trường hợp cha tôi phát hiện mắc ung thư đại trực tràng lúc 45 tuổi, thì các thành viên trong gia đình tôi có nên tầm soát ung thư đại tràng sớm? Xin bác sĩ nói thêm về thời điểm và phương pháp tầm soát.
BS Huy: Theo các nghiên cứu theo phả hệ thì người ta nhận thấy rằng nếu có một người trong gia đình mắc ung thư thì nguy cơ có thể tăng gấp 2-5 lần. Nếu có thêm một người mắc nữa, thì nguy cơ nàytăng lên thành 7 tới 10 lần. Thậm chí là có những nghiên cứu về những cặp sinh đôi cùng trứng, thì nguy cơ lên tới 25 lần. Về lứa tuổi, thì tuổi phát hiện ung thư càng trẻ thì thời điểm những người còn lại trong gia đình có nguy cơ bùng phát ung thư cũng sẽ càng sớm theo thời gian. Hiện nay nếu người trong gia đình – như hồi nãy chị ví dụ là có bố ruột phát hiện ung thư năm 45 tuổi thì người ta khuyên những người thân trực hệ trong gia đình nên đi tầm soát ung thư sớm hơn từ 5-10 năm trước tuổi mà người mắc ung thư trong gia đình khởi phát. Trong ví dụ của chị thì những người thân trong gia đình nên đi tầm soát ở lứa tuổi 35-40, không nên để muộn hơn.
NBBS: Vậy thì bác sĩ có thể cho biết ung thư đại trực tràng gồm những giai đoạn nào và các triệu chứng thường gặp tương ứng với các giai đoạn của bệnh?
BS Huy: Khi mà mình nói tới giai đoạn thì nó chia nhiều chi tiết lắm và thường những chi tiết đó chỉ dành cho bác sĩ điều trị chính thôi. Tuy nhiên các bác sĩ cũng sẽ cố gắng gom những cái giai đoạn lại một cách đơn giản hơn để có thể giải thích cho bệnh nhân và thân nhân. Mình có thể hiểu nôm na là ung thư đại trực tràng chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ 4 tức là giai đoạn cuối thì mình dễ hiểu, tức là ung thư đã lan tràn đến các cơ quan lân cận, di căn gan, não, xương, phổi.
Quay lại các giai đoạn đầu tiên, trước nhất là ung thư giai đoạn 1 – đây là ung thư giai đoạn sớm. Nghĩa là ung thư chỉ vừa mới khởi phát thôi, và chính vì nó rất sớm nên thường không gây triệu chứng. Lúc này, ung thư mới chỉ phát triển ở trên lớp biểu mô – lớp trong cùng của thành ruột, và chỉ khu trú ở đó thôi. Nó hình thành một khối tổn thương rất nhỏ, thậm chí chỉ là một ổ loét 1cm hoặc một khối thịt dư (dạng polyp) 1 cm. Và vì nó quá nhỏ như thế nên hầu như không gây ra triệu chứng. Những trường hợp ung thư giai đoạn sớm này thì thường tình cờ phát hiện trong một chương trình tầm soát nào đó. Ví dụ như câu chuyện thấy người thân trong gia đình bị ung thư và người còn lại đi tầm soát thì nó ra, hoặc là cơ quan có một chương trình đi khám sức khỏe – đó là đối với ung thư giai đoạn 1.
Ung thư giai đoạn 2 thì trễ hơn giai đoạn 1 một chút nhưng cũng coi như là còn tương đối sớm: nghĩa là ung thư đã vượt qua lớp niêm mạc của thành đại tràng, tuy nhiên nó vẫn khu trú ở trong thành đại tràng thôi. Người ta gọi là các giai đoạn ung thư tại chỗ nhưng chưa có tiến triển. Trong các giai đoạn ung thư tại chỗ mà chưa tiến triển này thì bắt đầu sẽ có triệu chứng. Một trong các triệu chứng thường gặp nhất đó là đi cầu ra máu mà hay là đi tiêu ra máu. Đây là nhóm lý do mà bệnh nhân đi khám nhiều nhất. Và bác sĩ sẽ tùy theo lứa tuổi và mức độ nguy cơ, sẽ có cách tầm soát thích hợp.
Giai đoạn 3 là khi khối u đã có tiến triển nhưng chưa có di căn xa. Khối u đã xâm lấn hết các thành ruột, thậm chí người ta còn quan sát được u có thể dính vô một số cơ quan lân cận. Ví dụ là có thể gặp trường hợp u dính vô tử cung phía trước ở nữ, hoặc là dính vào bàng quang ở nam. Giai đoạn 3 này được xếp vô ung thư giai đoạn tương đối muộn. Tuy nhiên do tính khu trú của khối u nên các phác đồ điều trị triệt để – tức là điều trị cho đến hết khối u vẫn còn được cân nhắc áp dụng. Ở giai đoạn này thì bệnh nhân sẽ tới với khá là đầy đủ các triệu chứng của ung thư đại trực tràng. Ví dụ như là đi cầu ra máu, đi cầu khó do u quá to làm bít lòng ruột, làm cho quá trình lưu thông phân ở trong lòng đại tràng và trực tràng gặp khó khăn. Bệnh nhân hay có triệu chứng đau quặn bụng, hoặc có thể thấy chướng bụng, ngồi toilet thì rất khó mà đi cầu phân bị dẹt. Rồi đi cầu xong thì không thấy sướng bởi vì vẫn còn thấy mắc cầu do phân không ra được hết. Một số triệu chứng xa hơn, ví dụ như là người ta có thể ăn kém đi vì người ta không muốn ăn nữa. Hoặc vì đi cầu ra máu nhiều, cho nên bệnh nhân có thể sẽ tới vì thiếu máu. Đó là đối với ung thư đại tràng giai đoạn 3.
Nếu mà bệnh nhân đã có ung thư di căn xa thì bên cạnh những triệu chứng của nhóm giai đoạn 3 thì bệnh nhân sẽ có thêm những biểu hiện của di căn xa. Ví dụ như là vàng da nếu di căn gan, yếu hai chi dưới nếu di căn xương. Một số trường hợp u xâm lấn vô trong bàng quang thì bệnh nhân sẽ có biểu hiện là đi tiểu ra phân. Ung thư giai đoạn 4 này, người dân hoặc là bác sĩ thường hay nói nôm na là ung thư giai đoạn cuối. Thì khi bệnh nhân người ta nghe đến ung thư giai đoạn cuối thì cũng hiểu rằng là những phương pháp điều trị triệt để sẽ rất giới hạn, và kết quả điều trị thì đương nhiên cũng không tốt bằng.
NBBS: Như vậy bác sĩ có thể cho biết các phương pháp điều trị hiện tại cho loại ung thư này được không ạ? Liệu bệnh nhân có thể chữa khỏi bệnh không?
BS Huy: Điều trị trong thư đại trực tràng, người ta vẫn gọi là điều trị đa mô thức hoặc là đa phương pháp, nghĩa là mình sẽ phối hợp nhiều phương pháp. Đặc biệt là với sự tiến bộ của y khoa thì với mỗi phương pháp người ta cũng sẽ cố gắng đẩy mạnh hơn nữa. Hiểu nôm na thì giống như đánh trận mà vừa có bộ binh, vừa có thuỷ binh. Trong 3 phương pháp thì phương pháp chính vẫn là phẫu thuật. Phẫu thuật là phương pháp trung tâm trong điều trị ung thư đại trực tràng. Hỗ trợ cho phẫu thuật thì sẽ có hóa trị. Bên cạnh hoá trị thì chúng ta cũng có xạ trị. Ngoài ra thì ngày nay chúng ta hay nghe nói tới liệu pháp nhắm trúng đích (targeted therapy). Thì bản chất liệu pháp nhắm trúng đích nó cũng là một nhóm nằm trong liệu pháp hóa trị thôi. Tức là thay vì hoá trị hệ thống, người ta dựa vào những biểu hiện về đột biến gen, những biểu hiện về di truyền, những biểu hiện về thay đổi ở trong tế bào ung thư để người ta đưa ra các loại thuốc ít độc hại hơn, nhắm tới tế bào ung thư nhiều hơn. Tóm lại là mình sẽ có ba mô thức chính: một là phẫu thuật, thứ hai là xạ trị, thứ ba đó là hóa trị và liệu pháp nhằm trúng đích.
Về vấn đề điều trị thì lúc nãy đã đề cập là đa mô thức – được ví giống như là bánh sandwich có nhiều lớp. Tức là có thể sẽ phẫu thuật rồi sau đó hoá trị, hoặc là ngược lại có thể hóa trị trước rồi sau đó phẫu thuật, sau đó lại hóa trị tiếp thành nhiều lớp như vậy. Và việc quyết định mô thức nào, ở thời điểm nào thì sẽ do một hội đồng cố vấn – một hội đồng đa mô thức hội chẩn cho các phác đồ điều trị đó.
NBBS: Thế thì nếu phát hiện ở những giai đoạn còn sớm thì bệnh nhân có thể chữa khỏi bệnh không bác sĩ?
BS Huy: Về vấn đề đáp ứng với điều trị, thì đối với ung thư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 – nghĩa là ung thư sớm và ở tại chỗ thôi, thì khả năng điều trị triệt căn (hay gọi là khỏi bệnh) là rất cao. Và đối với ung thư giai đoạn đó thì cho đến ngày nay phẫu thuật vẫn đóng vai trò chủ đạo. Phẫu thuật để cắt bỏ khối tổn thương ung thư cùng những hạch mạc treo thì có thể coi như là đủ đối với ung thư giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Hầu hết các y văn từ Nhật Bản cho tới các nước châu Âu hoặc khu vực Bắc Mỹ thì người ta đều thống kê cho thấy là tiên lượng sống sau 5 năm đối với ung thư đại trực tràng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là trên 90%. Nghĩa là mình có thể hiểu nôm na rằng khả năng điều trị khỏi ung thư ở các giai đoạn này lên đến 90%. Như vậy có thể thấy rằng là khả năng điều trị được ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm là tốt chứ không phải là kém. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng cho những bệnh nhân ung thư đại trực tràng và nó sẽ là một dấu hiệu khích lệ người bệnh làm sao cố gắng phát hiện ung thư càng sớm càng tốt.
Khi ung thư đã tiến triển tại chỗ tức là đã nhảy sang giai đoạn 3, thì bắt đầu sẽ có sự tham gia của nhiều mô thức điều trị. Mục đích là tăng tỷ lệ điều trị triệt căn và làm giảm tỷ lệ tái phát. Trong giai đoạn 3 thì về chuyên môn, người ta còn chia nhỏ ra nhiều giai đoạn nữa, cho nên là tiên lượng cũng khác. Nhưng mà nhìn chung thì đối với ung thư giai đoạn 3 thì một số y văn người ta đã thống kê thấy rằng sau 5 năm, tỷ lệ sống đối với giai đoạn 3 dao động trong khoảng từ 50%cho tới 80% tuỳ mức độ nặng và khả năng đáp ứng của người bệnh. Trong giai đoạn 3 này, chính là giai đoạn mà lúc nãy tôi có nói là sẽ có sự tham gia của nhiều mô thức như một chiếc bánh sandwich. Các bác sĩ sẽ hội chẩn xem là bệnh nhân này nên mổ bây giờ hay là nên vô thuốc trước, hay là nên chiếu tia xạ trước, và nếu mà đã mổ xong thì có nên vô thuốc tiếp hay không? Thì đó là việc mà người bệnh sẽ được các bác sĩ thông tin sau khi hội chẩn. Và cũng chính vì đây là một liệu trình điều trị đa mô thức, nó đòi hỏi người bệnh phải kiên trì. Cuộc chiến chống ung thư không phải là cuộc chiến ngắn ngày, mà nó là cuộc chiến dài ngày, và nó vẫn cứ kéo dài từ tháng này qua năm nọ. Và người bệnh nên cố gắng tuân thủ những phác đồ điều trị của bác sĩ.
Còn đối với ung thư đại tràng giai đoạn 4 thì chúng ta cũng hiểu là khả năng điều trị sẽ giới hạn đi rất nhiều. Tỷ lệ sống còn sau 5 năm thấp hơn 50%, thậm chí có thể kém hơn – khoảng 20%-30%. Thời gian sống còn trung bình đối với ung thư đại tràng giai đoạn 4 người ta hay tính bằng tháng. Tuỳ theo mức độ và giai đoạn phát hiện, nó thể dao động từ 7-9 tháng, hoặc cũng có thể hơn: 12-15 tháng, v.v… Thì nhóm ung thư đại tràng giai đoạn 4 sẽ là một trong những nhóm được nghiên cứu nhiều nhất liên quan tới hoá trị và liệu pháp nhắm trúng đích.
NBBS: Vâng, thế thì nếu như không may mà người nhà tôi bị ung thư đại trực tràng giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối đã di căn nhiều nơi thì các phương pháp điều trị giảm nhẹ nào có thể áp dụng để bệnh nhân có thể vượt qua các cơn đau trong những ngày cuối đời?
BS Huy: Hiện nay việc chăm sóc giảm nhẹ hay còn gọi là chăm sóc nâng đỡ thì người ta cũng đã lập ra một nhãn riêng, và thậm chí là xếp ngang hàng với những mô thức điều trị khác, và cũng là một mô thức điều trị bắt buộc trong nhóm hội chẩn mà lúc nãy tôi đã đề cập – tức là phải bao gồm một bác sĩ chuyên về chăm sóc giảm nhẹ.
Những chăm sóc giảm nhẹ mà cần phải lưu ý đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, thì như lúc nãy chị đã đề cập, đó là điều trị đau. Hiện nay những nhóm thuốc điều trị đau đã được nghiên cứu và phát triển thêm khá tốt, từ những nhóm thuốc dạng uống đến những nhóm thuốc dạng truyền. Bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ sẽ đánh giá điểm đau của người bệnh và người ta sẽ cố gắng chọn lựa những phác đồ điều trị đau phù hợp. Mục đích của điều trị giảm nhẹ chính là cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Nghĩa là giúp cho bệnh nhân trong những ngày tháng phía sau này đạt được chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể. Chính vì mục tiêu là đảm bảo chất lượng cuộc sống nên bên cạnh đau thì người bệnh ung thư đại trực tràng còn những vấn đề khác nữa. Ví dụ như là khối u to lên gây biến chứng tắc ruột. Nếu như u đã gây tắc ruột thì bác sĩ bắt buộc phải phẫu thuật để giải quyết tình trạng tắc ruột đó. Hoặc là u vỡ ra gây viêm phúc mạc – còn gọi là u bị bể trong ổ bụng, thì bác sĩ cũng phải phẫu thuật để cố gắng dọn dẹp những tổn thương gây nhiễm trùng trong ổ bụng. Ngoài ra còn có vấn đề dinh dưỡng, nếu người bệnh có chế độ ăn không tốt thì bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ sẽ cố gắng đưa ra những phác đồ ăn uống sao cho phù hợp về các loại dịch ăn, hoặc có cần nuôi ăn theo đường tĩnh mạch hay không. Cho đến ngày nay thì đối với ung thư giai đoạn 4, thì trong chăm sóc giảm nhẹ người ta cũng có thêm một số khái niệm, người ta gọi là hoá trị triệu chứng hoặc là xạ trị triệu chứng. Lúc nãy tôi nói rằng mục đích của hoá trị và xạ trị là đẩy lui bệnh, tuy nhiên gần đây người ta đưa ra thêm khái niệm không phải chỉ để đẩy lui mà còn làm giảm nhẹ triệu chứng. Việc hoá trị hoặc xạ trị cũng sẽ cố gắng kìm hãm tế bào u lại, qua đó có thể giúp giảm đau trong một số trường hợp, đồng thời cũng làm chậm đi những biến chứng mà bệnh nhân có thể gặp.
NBBS: Bác sĩ có nói là có một số loại ung thư đại trực tràng di truyền qua các thế hệ, thì bác sĩ có thể cho biết nhóm bệnh nhân nào cần chú ý tầm soát để phát hiện bệnh sớm không?
BS Huy: Đối với cái ung thư đại trực tràng có yếu tố gia đình thì cũng có nhiều nhóm. Và đến ngày nay thì có một số hội chứng mà mình thường gặp, ví dụ như là hội chứng đa polyp tuyến gia đình.
Tình trạng đa polyp tuyến gia đình là do sự đột biến ở trong gen, làm cho xuất hiện những khối polyp mọc chi chít trên thành đại tràng. Nếu mà lên mạng tìm kiếm với từ khoá “đa polyp tuyến gia đình”, thì thính giả có thể thấy được hình ảnh đại trực tràng của bệnh nhân có thể mọc đến hàng nghìn khối polyp. Bệnh này có yếu tố gia đình đã được chứng minh rất rõ ràng, và có tuổi khởi phát rất sớm. Tôi đã từng chẩn đoán bệnh đa polyp tuyến gia đình này ở những lứa tuổi 12-13 tuổi rồi, và đã có trường hợp phải phẫu thuật cho một bé 13 tuổi mà phải cắt toàn bộ đại trực tràng và phải mang hậu môn tạm vĩnh viễn. Bệnh này một khi đã phát hiện thì chỉ định là bắt buộc phải cắt toàn bộ ruột già (đại tràng). Bởi vì khi thành đại tràng mọc quá nhiều polyp như vậy thì về lâu dài những khối polyp này sẽ tiến triển thành ung thư. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh này, thì những người còn lại nên đi tầm soát 5 năm trước thời điểm khởi phát của người mắc bệnh. Ví dụ nếu 18-20 tuổi đã khởi phát thì người em còn lại hoặc người con còn lại phải đi nội soi từ lúc 12-13 tuổi và không nên để trễ hơn.
Một nhóm bệnh thứ hai cũng hay gặp là hội chứng Lynch – một bệnh gây tổn thương ung thư hoá nhưng không phát sinh thành đa polyp như bệnh lý đa polyp tuyến gia đình đã trình bày lúc nãy. Đối với những bệnh nhân mà có yếu tố nguy cơ gia đình đồng thời có tổn thương mà bác sĩ ghi ngờ, thì những bệnh nhân này sẽ được đánh dấu trong phả hệ và mô ung thư của người bệnh sẽ được gửi đi giải trình tự gen. Dựa vào kết quả giải trình từ gen đó người ta có thể xác định bệnh nhân có đúng là mắc hội chứng Lynch hay không.
Ngoài ra cũng có một số hội chứng khác như là hội chứng thay đổi sắc tố Peutz-Jeghers – bệnh lý này hiếm gặp hơn và sẽ có những biểu hiện như là thay đổi sắc tố ở miệng hoặc một số vùng khác trên cơ thể; hội chứng đa polyp vị thành niên – cũng có tình trạng phát triển nhiều khối polyp ở đại trực tràng nhưng số lượng ít hơn và nguy cơ hoá ác cũng thấp hơn. Đối với hội chứng này thì chỉ điều trị tại vùng phát triển khối polyp chứ không điều trị mạnh tay như bệnh đa polyp tuyến gia đình.
Nói chung là đối với các bệnh lý có yếu tố gia đình, thì khi chúng ta phát hiện người trong gia đình bị ung thư đại trực tràng thì chúng ta nên đi tầm soát theo hướng dẫn của bác sĩ. Và người bác sĩ dựa vào những triệu chứng và biệu hiện kèm theo, nếu có nghi ngờ trong phả hệ một hội chứng đặc biệt nào đó, thì người bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định tiếp theo như giải trình tự gen hoặc nhuộm hoá mô miễn dịch.
NBBS: Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều ngày hôm nay. Bác sĩ đang đi làm mà vẫn bỏ thời gian để nói chuyện và trình bày thêm về đề tài này cho quý thính giả của Podcast Người Bạn Bác Sĩ. Tôi phải nói lời cảm ơn bác sĩ rất là nhiều và bác sĩ quả thật là một người bạn bác sĩ của chúng tôi và của quý thính giả của Podcast Người Bạn Bác Sĩ. Cảm ơn bác sĩ và xin bác sĩ gửi lời chào tạm biệt đến quý thính giả.
BS Huy: Xin cảm ơn chị cùng với chương trình đã mời tôi cùng tham gia để trao đổi một số thông tin. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp ích được cho cho quý thính giả có thêm sự hiểu biết về ung thư đại trực tràng. Đặc biệt là tự cá nhân mỗi người sẽ có những kinh nghiệm riêng, những thông tin hữu ích riêng dể có thể đi khám sức khoẻ tại các thời điểm phù hợp với mình nhất.
NBBS: Vâng, xin cám ơn bác sĩ. Từ giờ cho đến khi chúng ta gặp lại nhau trongpodcast sau, xin quý thính giả hãy cùng nhau có những lựa chọn tốt để sức khoẻ của chúng ta mãi luôn dồi dào.