NBBS: Xin gửi lời chào mừng quý thính giả của Podcast Người Bạn Bác Sĩ! Tôi là Bác sĩ (BS) Mai Anh Đoàn. Ngày hôm nay rất hân hạnh được trở lại với chương trình. Rất lấy làm hân hoan đón chào BS Nguyễn Tấn Thủ đến với podcast để chia sẻ kinh nghiệm của Bác sĩ về virus HIV và bệnh AIDS. Xin chào BS Thủ, mời Bác sĩ gửi lời chào đến quý thính giả của podcast NBBS.
BS Nguyễn Tấn Thủ: Xin chào BS Mai Anh và các quý thính giả của poscast NBBS.
NBBS: Trước khi chúng ta bắt đầu buổi nói chuyện ngày hôm nay, xin dành cho tôi chút thời giờ để giới thiệu Bác sĩ với quý thính giả đang nghe podcast. Bác sĩ thủ tốt nghiệp đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010. Bác sĩ nhận được chứng chỉ chẩn đoán và điều trị HIV vào năm 2012. Bác sĩ đã tham gia vào nhiều khóa huấn luyện về HIV như: Tư vấn, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu cộng đồng. BS Thủ cũng đã tham gia liên tục vào các hoạt động phòng chống HIV từ đó đến nay ở nhiều vị trí như: Nhà nghiên cứu, tư vấn viên, nhà quản trị và điều phối chương trình. Đồng thời Bác sĩ cũng là tác giả của nhiều bài viết về HIV. Đến nay, Bác sĩ là người tư vấn cho chương trình kĩ thuật phù hợp trong lĩnh vực sức khỏe gọi tắt là PATH nhằm tư vấn cho những bệnh nhân nam đã mắc HIV vì quan hệ tình dục đồng giới (MSM). BS Thủ cũng đang đồng hành cùng phát triển điều phối ‘’ Xóm Cầu Vồng’’, là nơi để hỗ trợ cộng đồng MSM. BS Thủ với biệt danh là Bác Sĩ Cộng Đồng rất quan tâm tới cộng đồng MSM và hết mực hỗ trợ họ. Trước hết, xin Bác sĩ có thể cho quý thính giả biết nhiều hơn về virus HIV và diễn biến của virus, cũng như quá trình dẫn đến bệnh AIDS?
BS Nguyễn Tấn Thủ: Vâng, có lẽ tên tiếng anh của HIV sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của virus. HIV tên tiếng anh là Human Immunodeficiency Virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Như vậy, qua tên gọi đó chúng ta biết rằng HIV là một loại virus và nó gây ra bệnh ở người, gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở con người. Chúng ta đã biết rằng cơ thể của chúng ta sống với một môi trường sẽ có nhiều tác nhân bên ngoài như: vi khuẩn, virus, nấm hoặc các tác nhân độc tố, lý, hóa … Nhờ vào hệ miễn dịch, cơ thể chúng ta có thể chống lại những tác nhân đó. Virus HIV đặc biệt bởi vì nó tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch và làm cho hệ miễn dịch của chúng ta bị suy yếu đi. Và khi mà hệ miễn dịch bị suy yếu đi chúng ta rơi vào tình trạng được gọi là suy giảm miễn dịch. Chúng ta mất đi khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Lúc đó chúng ta có thể sẽ mắc bệnh nhiều hơn hoặc là mắc những bệnh khó trị hơn và chúng ta có thể bị tử vong do các hội chứng suy giảm miễn dịch đó.
NBBS: Vậy Bác sĩ có thể giải thích cho quý thính giả làm sao HIV lây truyền từ người này sang người khác, và nếu một người bình thường thì có thể bị nhiễm qua những tiếp xúc thông thường hàng ngày không?
BS Nguyễn Tấn Thủ: HIV có một đặc điểm đó là lây từ người qua người thôi. Đó là bệnh chỉ lây từ người qua người, và qua ba con đường lây nhiễm chính đó là: đường máu, đường tình dục và đường từ mẹ sang con. Để hiểu ngắn gọn về đường máu có nghĩa là máu của người bệnh sẽ tiếp xúc trực tiếp vào trong những vết thương của người không nhiễm bệnh hoặc là những vết thương đâm xuyên da. Nếu vết thương chỉ trên bề mặt da thì sẽ không bị lây nhiễm.
Hai tình huống thường gặp dẫn đến bị lây nhiễm qua đường máu là do kim đâm xuyên da như trong các trường hợp sự cố y khoa hoặc là máu của người bệnh tiếp xúc vào vết thương hở của người không bệnh. Xin lưu ý, phải là vết thương hở thì mới có thể lây được.
Về đường tình dục thì dễ hiểu hơn là mình có hành vi quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh. Trong con đường này, chúng ta nên lưu ý rằng HIV xâm nhập khi chúng ta quan hệ tình dục với người bệnh không có sự bảo vệ. Xâm nhập có nghĩa là đưa cơ quan sinh dục vào cơ thể người kia bằng đường miệng, hậu môn hoặc là âm đạo thì mới gọi là xâm nhập còn nếu chúng ta chỉ có quan hệ mà không xâm nhập bên ngoài thì sẽ không bị lây nhiễm. Điều thứ hai là, chúng ta nói đến sự không được bảo vệ có nghĩa là nói đến bao cao su. Như vậy nếu một người quan hệ tình dục mà có bao cao su để bảo vệ thì sẽ không bị lây nhiễm.
Con đường lây nhiễm thứ ba là từ mẹ sang con. Điều này có nghĩa là từ người mẹ bị mắc bệnh lây nhiễm sang cho người con trong quá trình mang thai, sinh con và cho con bú. Vì virus này sẽ có trong sữa mẹ. Như vậy là chúng ta thấy những con đường lây nhiễm thì rất là nhiều, nó có ba đường lây, có nhiều hành vi lây nhiễm. Nhưng bản chất của lây nhiễm HIV là phải có sự tiếp xúc của đường vào.
Nguyên lý lây nhiễm HIV thì có 4 nguyên lý:
- Thứ nhất, phải có sự thoát ra của virus. Người bình thường khi hít thở thì không có virus, mồ hôi của người bị bệnh cũng không có chứa virus. Có nghĩa là virus sẽ không lây nhiễm qua đường hô hấp và da.
- Thứ hai, virus vẫn còn sống vì virus HIV nhanh chóng chết khi ở ngoài môi trường.
- Thứ ba, chúng ta cần phải dựa vào số lượng của virus HIV. Phải đủ điều kiện số lượng của virus thì mới có thể lây nhiễm.
- Thứ tư, tùy thuộc vào con đường lây nhiễm và tùy thuộc vào hành vi của mình ví dụ như quan hệ xâm nhập, hay tiếp xúc với viết thương, bị kim đâm. Thì chúng ta mới có thể nói là theo con đường lây nhiễm vào.
Về sự lây nhiễm của HIV thì HIV là bệnh khó lây. Theo những hình thức thông thường như: ôm, nắm tay, hôn má, hôn môi hoặc ăn cơm chung, sử dụng nhà vệ sinh… Thì nó không thể thỏa mãn được bốn nguyên lý lây nhiễm và trên thế giới chưa có ca nhiễm lây bệnh nào chỉ qua việc tiếp xúc thông thường. Tóm lại, HIV là căn bệnh khó lây và nó liên quan đến các hành vi và nguy cơ với người mắc bệnh.
NBBS: Cám ơn BS Thủ đã giải thích rất rõ ràng cho quý thính giả biết về sự truyền nhiễm của HIV. Vậy hiện nay Bác sĩ có thể cho quý thính giả biết được tình trạng nhiễm HIV tại Việt Nam và các đối tượng nào có nguy cơ cao nhất để mắc bệnh này?
BS Nguyễn Tấn Thủ: HIV hiện nay ở Việt Nam vẫn là dịch bệnh tập trung. Tại sao mình nói dịch tập trung, vì dịch bệnh tập trung khác với toàn dân. Ví dụ như một số quốc gia ở Nam phi, số lượng người mắc bệnh rất nhiều và tỉ lệ người bệnh trong dân số rất là cao, và ở đâu họ cũng gặp người bị nhiễm HIV nên ở đó HIV là dịch bệnh toàn dân. Còn đối với các quốc gia tỉ lệ người nhiễm thấp hơn thì chúng ta gọi là dịch tập trung, dịch tập trung là dịch sẽ tập trung những nhóm người có nguy cơ cao so với số còn lại của dân số chung.
Ở Việt Nam, nói trên dân số chung thì tỉ lệ nhiễm bệnh tính trên đầu người / tổng số dân thì khoảng 0,3%. Có nghĩa là nước ta vẫn đang duy trì ở mức độ thấp. Tuy nhiên, trên một số nhóm nguy cơ cao tức là nhóm đối tượng đặc biệt vì do bản chất các hành vi của họ ví dụ: nhóm người tiêm chích ma túy, nhóm quan hệ tình dục mại dâm, nhóm nam nữ đồng giới. Các nhóm mà các hành vi của họ có nguy cơ cao hơn, thì nhóm này dễ mắc bệnh hơn. Như nhóm người tiêm chích ma túy và mại dâm nguy cơ cao hơn có thể lên tới 4%. Nhóm nam nữ đồng giới có thể lên tới 8% trong nhóm dân số đó. Như chúng ta đã thấy, bệnh HIV hiện tại đang tập trung cho các nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao. Ở Việt Nam thì tổng số ca bệnh đang dưới sự quản lý của nhà nước rơi vào khoảng 250.000 bệnh nhân đang còn sống, có khoảng 50.000 – 60.000 người bệnh nhân đã chết. Đó là tổng tình hình chung của bệnh HIV ở tại Việt Nam. Hiện nay, số ca bệnh ở Việt Nam cũng như thế giới đang kiểm soát tương đối nhiều và nhờ có những biện pháp chăm sóc hỗ trợ và điều trị ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 10.000 – 12.000 người nhiễm mới, đang duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên là vẫn chưa thể đạt được kì vọng là cắt đứt số lượng lây nhiễm đó.
NBBS: Bác sĩ có thể nói về các phương pháp chẩn đoán được công nhận hiện nay tại Việt Nam để xác định nếu một người có bị nhiễm HIV hay không?
BS Nguyễn Tấn Thủ: Hiện nay, xét nhiệm HIV ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung cũng khá là đơn giản, chủ yếu là xét nhiệm máu là chính. Xét nghiệm HIV thì cho kết quả rất là nhanh trong vòng khoảng 15 phút – 20 phút là đã có kết quả. Nếu như mình đến các trung tâm hay cơ sở y tế có thể họ cần thời gian tùy thuộc vào quy trình dài hơn có thể là 1 tiếng hoặc 1,5 tiếng là có kết quả. Thông thường là kiểm tra nhanh bằng cách kiểm tra máu, trrước đây thì chúng ta chỉ có lấy máu tĩnh mạch thôi sau này thì chúng ta đã có thêm lây máu mao mạch từ đầu ngón tay. Gần đây nhất chúng ta có xét nghiệm bằng nước bọt, có nghĩa là lấy dịch nước bọt từ miệng của người bệnh. Ở Việt Nam chúng ta đã có hầu hết tất cả các loại xét nghiệm này.
Xét nghiệm HIV ở Việt Nam ngoài các hệ thống y tế công lập thì chúng ta còn có các hệ thống y tế tư nhân. Tôi thấy điều quan trọng là nhiều người vẫn còn rất e ngại và thờ ơ khi nhắc đến HIV. E ngại có nghĩa là họ biết họ có nguy cơ nhưng họ không có đi xét nghiệm hoặc là thờ ơ, họ không biết gì về HIV gì hết. Đặc biệt là hiện nay ở Việt Nam số đối tượng nhiễm HIV trẻ khoảng 15- 17 tuổi thì nhiều hơn vì các em có các hành vi tình dục sớm, nhưng những ý thức và sự hiểu biết về HIV thì không có nên không biết cách sử dụng bao cao su và cũng không biết phải đi xét nghiệm. Đó là rào cản lớn đối với tình trạng HIV hiện nay ở Việt Nam. Trên thế giới cũng có những dịch vụ, thiết bị y tế liên quan đến xét nghiệm HIV rất là sẵn có, xét nghiệm này cũng rất dễ. Bây giờ thậm chí việc xét nghiệm HIV mọi người có thể tự mua về nhà làm tại một số quốc gia. Còn ở Việt Nam sắp tới sẽ có dự án phát những thiết bị y tế để người bệnh có thể tự kiểm tra tại nhà. Cuối cùng là vẫn còn sót những đối tượng có nguy cơ nhưng không chịu làm xét nghiệm là bởi vì họ e ngại và họ thờ ơ.
NBBS: Vậy thì chẳng hạn như có một người có quan hệ tình dục không an toàn với một người nghi là bị nhiễm HIV thì người kia phải làm gì tiếp theo đó?
BS Nguyễn Tấn Thủ: Ở đây tôi có thể giả một tình huống là tôi vừa quan hệ tình dục với người nghi nhiễm HIV và tôi có thể làm điều gì? Có hai hướng:
- Nếu như vừa mới quan hệ xong, trường hợp này tôi đã gặp rất nhiều các bệnh nhân ví dụ như tối hôm đó đi chơi, đi nhậu… sau đó đi tăng ba tăng bốn và có quan hệ tình dục với gái mại dâm chẳng hạn. Sau đó, sáng sớm tỉnh ra thì chúng ta gọi đó là mới vừa tức thì. Đối với các trường hợp mới vừa quan hệ như vậy đối với thời gian ngắn dưới ba ngày thì chúng ta có một công cụ được gọi là dự phòng sau phơi nhiễm. Tức là người đó sẽ sử dụng một loại thuốc để kháng vius và uống liền, uống trong vòng một tháng, điều đó sẽ làm giảm xuống nguy cơ bị lây nhiễm HIV của người đó lên 90% – 95% và biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm đó thì cũng rất hiếm khi ghi nhận bị thất bại. Ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp ca bệnh nào thất bại sau khi sử dụng pháp đồ đó.
- Đối với trường hợp đã trễ như mấy tuần trước rồi, thì những trường hợp này chúng ta thường khuyến khích họ đi xét nghiệm sớm nhất có thể. Việc xét nghiệm đó giúp cho họ xác lập tình trạng nhiễm từ trước. Vì khi xét nghiệm có thời gian nhiễm bệnh cửa sổ khoảng một hoặc ba tháng. Cũng tùy loại xét nghiệm chúng ta sẽ xác lập lại tình trạng của họ và chúng ta sẽ tư vấn thêm cho họ và sau đó có thể có những nhu cầu xét nghiệm lại.
Như vậy đối với hai trường hợp chúng ta sẽ có hai hướng đi rất khác nhau. Nếu vừa mới xảy ra thì chúng ta đến với Bác sĩ để được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm PEP (Post-Exposure Prophylaxis). Còn với các trường hợp cũ rồi thì khuyến khích người bệnh nên điều chỉnh lại hành vi đó và nên xét nghiệm càng sớm càng tốt.
NBBS: Nếu như có một bệnh nhân mà xét nghiệm phát hiện có dương tính với HIV rồi thì Bác sĩ có thể cho biết các phác đồ điều trì HIV đang có hiện nay và người bệnh đó cần nên liên lạc với Bác sĩ nào để điều trị? Và quan trọng hơn nữa là các thông tin của các bệnh nhân có được bảo mật không?
BS Nguyễn Tấn Thủ: Nếu nói về chương trình điều trị thì mỗi quốc gia đều có khác biệt đôi chút. Tình hình Việt Nam hiện nay thì các chương trình quốc gia đa phần đang được hỗ trợ có nghĩa là điều trị HIV vẫn đang được miễn phí. Trong thời gian tương lai thì sẽ sử dụng một số nguồn lực từ bảo hiểm y tế. Khi bệnh nhân có phát hiện bản thân bị dương tính với HIV thì bệnh nhân cũng có những lựa chọn khác nhau tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ. Nếu như họ muốn vào chương trình của quốc gia thì họ sẽ được lợi ích miễn phí hoặc giảm chi phí do ngân sách nhà nước – gọi là hệ thống công lập. Còn cách thứ hai là đi vào hệ thống tư nhân. Tức là mình phải chi trả tất cả các chi phí. Các bệnh viện lớn như là bệnh viện Nhiệt Đới có điều trị theo tư nhân hoặc những phòng khám tư nhân.
Đối với HIV thì chúng ta có phác đồ gọi là phác đồ kháng virus – ARV. Đây là phác đồ chủ đạo trong điều trị HIV. Phác đồ điều trị ở Việt Nam thì tôi thấy nó có ít hơn so với các quốc gia tiến bộ, nhưng về cơ bản thì chúng ta vẫn đang tiếp cận với các phác đồ điều trị mới nhất hiện nay được khuyến cáo từ các tổ chức y tế thế giới. Chúng ta dùng phác đồ TLD gồm có ba thuốc: Tenofovir, Lamivudine, và Dolutegravir. Đây là phác đồ mới nhất hiện nay được Tổ Chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo dùng cho một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phác đồ này rất dễ uống. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần uống một viên vào một giờ cố định. Việc uống cố định như vậy sẽ giúp đỡ bệnh nhân không có quên và tuân thủ thuận lợi hơn. Thứ hai nữa là thuốc TLD mới này không có tác dụng phụ lên bữa ăn hay giấc ngủ thế nên nó sẽ không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh. Đó là ưu điểm của phác đồ TLD. Hiện nay ở Việt Nam chúng ta đang chuyển đổi qua phác đồ này. Trước đó chúng ta sử dụng pháp đồ khác nhưng đang hướng tới sử dụng pháp đồ TLD, và phác đồ này cũng là phác đồ ưu tiên bậc một hiện nay.
NBBS: Vâng. Khi mà bệnh nhân lựa chọn hướng điều trị công lập thì các thông tin của bệnh nhân đó có được bảo mật không?
BS Nguyễn Tấn Thủ: Nói về yếu tố bảo mật thì nguyên tắc của điều trị đã được quy định trong luật. Ở Việt Nam mình có một bộ luật liên quan đến HIV, một bộ luật riêng quy định rất rõ là việc bảo mật thông tin là nhiệm vụ và trách nhiệm của cả hệ thống y tế. Những người vi phạm bảo mật từ hệ thống y tế hoặc ngoài hệ thống y tế ví dụ như là mình biết người bệnh nhiễm HIV nếu mình dùng thông tin đó để tấn công người bị mắc bệnh thì mình vi phạm pháp luật. Như vậy bảo mật được nhắc đến và được đảm bảo trong quá trình điều trị bất kể tư nhân hay công lập. Yếu tố bảo mật cũng là một vấn đề mà các bệnh nhân hay lo ngại, băn khoăn, trăn trở. Số người bị rò rỉ thông tin từ hệ thống y tế chắc chắn có nhưng tỉ lệ rất thấp. Chỉ lâu lâu mình có thể nghe một trường hợp bị rò rỉ thông tin từ hệ thống y tế nhưng đó là trường hợp hiếm hoi thôi. Nhưng việc mà bệnh nhân sợ thì tôi thấy rất là nhiều. Ngay từ khi mà bệnh nhân nghe rằng quản lý nhà nước hay vô hệ thống điều trị là bệnh nhân bắt đầu sợ. Thậm chí chưa kể là điều trị thì có hồ sơ bệnh nhân, thì bệnh nhân nói không muốn làm hồ sơ mà nếu không làm hồ sơ thì bệnh nhân không có điều trị được tại vì không có bệnh án. Đó là về nguyên tắc như thế nhưng đối với yếu tố bảo mật bệnh nhân sợ là chính, việc sợ hãi làm cho người bệnh giảm hoặc là chậm tiếp cận với các dịch vụ y tế. Tôi làm trong công tác về HIV nhiều năm rồi, tôi thấy rằng mặc dù lâu lâu mình có thấy những trường hợp sai phạm nhưng về cơ bản bệnh nhân vẫn được bảo mật. Số bệnh nhân được mình quản lý thì rất là nhiều trong đó chỉ có một vài người xui rủi mới bị rò rỉ thông tin bảo mật đó nhưng mà số còn lại họ vẫn được an toàn. Tôi nghĩ rằng là bản thân người bệnh phải vượt qua được những mặc cảm hay sợ hãi do chính mình đặt ra để mà vượt qua luôn những cái rủi ro của bảo mật để chúng ta có thể bảo vệ được sức khỏe của mình.
Một yếu tố mà mình muốn nhấn mạnh là điều trị cho mình cũng là điều trị cho những người khác. Bởi vì sao? Bởi vì điều trị cho người này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác cho nên việc điều trị HIV vừa là trách nhiệm với thân thể của mình vừa là trách nhiệm với người yêu của mình, vợ của mình và những người thân khác của mình.
NBBS: Lúc mới đầu Bác sĩ cũng có nhắc đến một cách nữa để lây nhiễm HIV đó là khi đang mang thai. Vậy nếu một phụ nữ đang mang thai mà bị nhiễm HIV thì xác suất thai nhi bị nhiễm HIV là bao nhiêu phần trăm và có cách thức nào để giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con trong thai kì và sau thai kì?
BS Nguyễn Tấn Thủ: Đối với người phụ nữ mang thai thì tổng xác suất lây nếu không can thiệp y tế là khoảng 30-40% thậm chí có thể lên đến 45%. Điều đó có nghĩa là có mười bà mẹ mang thai thì sẽ có 3 – 4 em bé sinh ra sẽ bị nhiễm HIV từ người mẹ nếu chúng ta không can thiệp. Nếu chúng ta sử dụng các biện pháp can thiệp, cụ thể là dự phòng lây truyền từ mẹ sang con thì đó là một liệu trình luôn. Nếu chúng ta sử dụng liệu trình đó thì sẽ làm giảm tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống còn 2%. Thậm chí trên thế giới một số quốc gia họ áp dụng tốt, họ có thể công bố triệt tiêu được đường lây nhiễm này tức là sẽ không để em bé nào sinh ra mà mắc HIV từ người mẹ hết.
Hiện nay, Việt Nam trung bình một năm có khoảng 100 – 150 em bé được sinh ra và bị nhiễm HIV từ người mẹ, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con là biện pháp tổng hợp của y tế can thiệp.
Đầu tiên là xét nghiệm HIV. Xét nghiệm này sẽ được làm định kì cho những phụ nữ đang trong độ tuổi mang thai hoặc mới có thai.
Thứ hai là sẽ điều trị HIV ngay cả khi bà mẹ đang mang thai. Khi điều trị ta dùng phác đồ ARV thì trong vòng vài tháng ta có thể kiểm soát được số lượng virus. Khi mà kiểm soát được số lượng virus trong người mẹ thì khả năng lây nhiễm sang cho con sẽ giảm.
Thứ ba là dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cũng là điều trị luôn cho con. Điều này có nghĩa là khi em bé được sinh ra thì được uống loại thuốc ARV tức là kháng virus HIV. Đứa trẻ sẽ uống trong vòng sáu tuần được tính từ lúc mới sinh ra và sẽ không cho trẻ bú sữa mẹ.
Tất cả biện pháp điều trị như vậy gọi là dự phòng lây truyền mẹ con. Biện pháp dự phòng lây truyền từ mẹ sang con sẽ làm giảm tỉ lệ lây nhiễm xuống dưới 2%. Ở Việt Nam, tôi có thấy một số các bệnh nhân bị nhiễm HIV nhưng mang thai và sinh ra em bé không có bị nhiễm HIV. Đó là do hiệu quả của việc điều trị ARV – được gọi là biện pháp dự phòng lây từ mẹ sang con.
NBBS: BS Thủ có biết rằng là bên Mĩ khi một người bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai thì họ hay khuyên là nên sinh mổ. Vậy Việt Nam có làm như vậy không?
BS Nguyễn Tấn Thủ: Vấn đề này vẫn còn đang được tranh luận là sinh mổ có làm giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con hay không? Vì việc sinh mổ sẽ ngắn hơn việc sinh bình thường đúng không? Trung bình sinh bình thường diễn ra từ 10- 12 tiếng thì bà mẹ mới sinh xong và thời gian em bé sẽ tiếp xúc với đường âm đạo sẽ dài hơn so với sinh mổ. Lợi ích trong việc sinh mổ là giảm tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con, nhưng có phải là giảm đáng kể hay không? Hay là biện pháp để đánh đổi nguy cơ cho người mẹ trong quá trình tiến hành cuộc mổ đó. Các chuyên gia nói rằng đó không phải là biện pháp chính vì biện pháp chính để tránh lây nhiễm từ mẹ sang con là điều trị ARV cho người mẹ và con. Như vậy nếu chúng ta áp dụng tốt cách điều trị bằng cách sử dụng thuốc thì việc lựa chọn sinh mổ hay sinh thường là tùy thuộc vào quá trình tiến hành cuộc mổ đó có an toàn hay không cũng như đều kiện cơ sở vật chất tại cơ sở y tế đó. Ở Việt Nam thì không có khuyến khích cho việc sinh mổ, tại vì điều đó sẽ đặt bệnh nhân vào thêm nguy cơ rủi ro và hiệu quả của nó thì không có chênh lệch nhiều.
NBBS: Tiếp theo tôi tin rằng các quý thính giả của chúng ta đang mong chờ Bác sĩ cho biết cách phòng chống HIV và AIDS. Xin Bác sĩ nói thêm về vấn đề này.
BS Nguyễn Tấn Thủ: Vâng, HIV/AIDS là bệnh dễ phòng khó lây. Đó là nhận định chung của giới chuyên gia. Thật ra cách phòng chống HIV bản chất là dựa theo các hành vi của mình như mình phải xem xét các hành vi của mình có khả năng lây nhiễm HIV thì mình phải giảm những hành vi đó. Điều thứ hai nữa là ngoài dự phòng lây nhiễm từ hành vi thì việc kiểm soát các hành vi cụ thể là kiểm soát các hành vi nguy cơ cao trong dân số gồm có: tiêm chích ma túy có nghĩa là dùng kim tiêm đâm vào, ngoài ra hành vi phổ biến hiện nay đó là hành vi quan hệ tình dục không an toàn tức là quan hệ tình dục với nhiều người hoặc đối tượng có nguy cơ mà không sử dụng bao cao. Nếu chúng ta giảm được những hành vi này thì chúng ta giảm được các nguy cơ mắc bệnh.
Hiện nay ở Việt Nam chúng ta sử dụng các biện pháp dự phòng bằng thuốc có nghĩa là chúng ta dự phòng chủ động hơn. Chúng ta sử dụng thuốc PEP để dự phòng sau phơi nhiễm, vừa nãy chúng ta đã nói rồi. Đó là khi chúng ta lỡ quan hệ tình dục với một ai đó có nguy cơ và không an toàn hay không có ý thức ví dụ như đang say xỉn thì có khả năng bị lây nhiễm HIV. Có thể sử dụng một loại thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm gọi là PEP. Chúng ta cũng có thể dự phòng trước phơi nhiễm. Tức là chúng ta sẽ uống trước một loại thuốc PrEP (Pre-Exposure Prophylaxis) giống như thuốc ngừa thai. Trong phác đồ mà sử dụng thuốc đó thì chúng ta cũng phòng được các nguy cơ lây nhiễm qua các hành vi của mình. Như vậy thì đối với việc phòng chống HIV cho bản thân mỗi người bao gồm hai việc làm.
Thứ nhất, quản lý hành vi và việc làm của mình. Cụ thể là hành vi nguy cơ mà hành vi nguy cơ ở đây là hành vi tình dục không an toàn.
Thứ hai, là hãy lựa chọn PrEP nếu chúng ta biết về nó và tiếp cận với nó, chúng ta uống thuốc ngừa.
Đây là hai biện pháp chính. Còn lại nhóm dân số đặc biệt như phụ nữ mang thai thì nên tham gia vào xét nghiệm và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Đối với các đối tượng nghiện ma túy nếu chúng ta giảm hành vi tiêm chích ma túy thì đó là các biện pháp chính. Ở đây việc phòng chống HIV là từ cộng đồng và tôi mong đợi phòng chống HIV là phòng chống kì thị. Bởi vì sao, bởi vì hiện nay chúng ta có rất nhiều công cụ và biện pháp. Để phòng chống bệnh này từ xét nghiệm đến điều trị là những biện pháp rất hiệu quả nhưng nhiều người lại không biết hoặc không áp dụng. Điều đó xảy ra chính vì kì thị, bởi vì những người họ không biết và họ kì thị, họ sợ bệnh đó và kì thị người mắc bệnh khiến cho người bệnh không dám đi xét nghiệm, không dám đi điều trị. Kì thị là một trong những nguyên nhân làm giảm đi những thành quả công tác phòng chống. Cho nên nói trên diện rộng, phòng chống HIV đó chính là phòng chống kì thị. Đừng kì thị nữa. Khi chúng ta phòng chống kì thị tốt hơn là lúc chúng ta có thể kiểm soát HIV tốt hơn.
NBBS: Xin cám ơn BS Thủ rất nhiều vì đã bỏ thì giờ ra để đến với podcast và chia sẻ những kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV trong bao nhiêu năm qua. Tôi biết ngày hôm nay với những lời khuyến cáo của Bác sĩ và những lời khuyên bảo của Bác sĩ về cách phòng chống và điều trị của HIV sẽ giúp đỡ rất nhiều người và sẽ thức tỉnh rất nhiều người. Và tôi hy vọng khi quý thính giả nghe podcast này, quý thính giả còn những câu hỏi hay thắc mắc gì nữa xin đừng ngần ngại hãy gửi email cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ chuyển những thắc mắc của các thính giả cho Bác sĩ Thủ để Bác sĩ có cơ hội giải đáp thắc mắc thêm cho quý vị. Xin cám ơn Bác sĩ rất nhiều và xin Bác sĩ gửi lời chào đến quý thính giả của podcast.
BS Nguyễn Tấn Thủ: Xin chào tất cả các quý thính giả của kênh, hy vọng có dịp nhiều hơn để nói về HIV, các vấn đề liên quan và những điều bổ ích cho mọi người. HIV đã để lại rất nhiều những hệ lụy xã hội do vấn đề kì thị mà tôi đã nói mà cũng còn do những quan điểm còn sai lầm, còn lệch lạc về HIV. Điều này làm cho những vấn đề xã hội với những người bị mắc HIV tăng lên. Điều đó là một điều đáng tiếc. Hy vọng trong thời gian sắp tới, trong phạm vi Việt Nam và thế giới sự kì thị và ám ảnh về HIV nó không còn nữa. Lúc bấy giờ HIV có thể trở về đúng bản chất của nó là một căn bệnh thôi. Nó không còn khiến cho người bệnh phải bị kì thị và những đứa trẻ không thể đến trường vì bị nhiễm HIV. Đó là những mong đợi của tôi qua tập podcast Người Bạn Bác sĩ lần này.
NBBS: Cám ơn BS Thủ vì sự chia sẻ. Và chúng ta có thể biết rằng HIV là một căn bệnh thôi mà không có điều gì khác hết. Hy vọng đến một ngày nào đó chúng ta có thể đi đến tình trạng tốt đẹp đó. Xin cám ơn Bác sĩ.