NBBS: Chào mừng các bạn đến với Podcast NBBS. Tôi là Bác sĩ (BS) Ngọc Trần. Trong podcast ngày hôm nay, chúng ta sẽ gặp gỡ BS Lê Kim Khánh, BS chuyên khoa 2 Nội thần kinh. BS Khánh hiện là phó khoa Nội thần kinh tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Xin chào BS Khánh và rất hân hạnh được trò chuyện với BS về chủ đề tai biến mạch máu não ngày hôm nay. Và podcast NBBS cám ơn BS đã nhận lời tham gia chia sẻ về căn bệnh phổ biến thường gặp hiện nay tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới.
BS Khánh: Xin chào em và xin chào các thính giả
NBBS: Chúng ta có thể bắt đầu bằng câu hỏi mà nhiều thính giả có lẽ rất muốn biết. Đó là tai biến mạch máu não là gì?
BS Khánh: Tai biến mạch máu não (TBMMN) còn gọi là đột quỵ. Có nghĩa là có những biến cố về triệu chứng thần kinh xảy ra một cách đột ngột, giống như là bệnh nhân có thể nói đớ, méo miệng, yếu liệt tay chân. Nguyên nhân là do mạch máu não bị tắt nghẽn do cục máu đông, hoặc là mạch máu bị vỡ. Khi mạch máu bị tắt nghẽn do cục máu đông mình gọi là đột quỵ nhồi máu não, hay còn gọi là TBMMN do thiếu máu cục bộ. Còn khi mà mạch máu não bị vỡ còn gọi là đột quỵ xuất huyết, hay gọi là xuất huyết não.
NBBS: Cám ơn bác sĩ đã giải thích về hai loại tai biến mạch máu não. Bác sĩ có thể cho biết về tình trạng số ca tai biến mạch máu não ở Việt Nam hiện nay được không ạ?
BS Khánh: Tình hình TBMMN ở Việt Nam càng lúc càng có rất nhiều bệnh nhân nhập viện, mỗi năm số càng tăng. Có thể là do nhận thức về y tế của người dân ngày nay đã tốt, nên bệnh nhân tới bệnh viện nhiều hơn và sớm hơn. Theo thống kê ở Việt Nam năm 2019, mỗi năm có khoảng 200.000 ca mới mắc, có khoản 90% trong số đó chịu những di chứng từ nhẹ đến nặng nề, gây những gánh nặng cho xã hội cũng như là cho gia đình. Trong tổng số về TBMMN, có khoảng 85% bệnh nhân sẽ bị loại nhồi máu não, 15% là xuất huyết não.
NBBS: Như vậy là tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ là loại tai biến thường gặp hơn với tần suất gấp 4 lần số ca xuất huyết não. Bác sĩ có thể cho biết những người nào có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não? Và những yếu tố nguy cơ này có khác biệt giữa tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ và tai biến mạch máu não do xuất huyết não được không ạ?
BS Khánh: Đối với nhồi máu não là TBMMN do thiếu máu cục bộ thì các yếu tố nguy cơ rất là nhiều, mình tạm chia làm hai loại, đó là các yếu tố nguy cơ không thể tác động được hay còn gọi là cơ địa bệnh nhân, thì sẽ gặp ở bệnh nhân trên 45 tuổi, nam nhiều hơn nữ, chủng tộc, và có tính gia đình. Ví dụ như trong gia đình có cha, mẹ, hoặc ông bà mà bị đột quỵ tai biến thì nguy cơ người con sẽ cao hơn. Các yếu tố khác có thể tác động được, ví dụ như bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim. Bệnh tim thì có rung nhĩ, là một dạng tim đập không đều, hoặc là các bệnh van tim. Ngoài ra còn có rối loạn lipid máu, những bệnh nhân mà hút thuốc lá, béo phì, các bệnh lí gây tăng đông máu khác. Các yếu tố nguy cơ nhồi máu não rất là nhiều, và hầu như hoàn toàn khác với xuất huyết não. Ở xuất huyết não có một yếu tố nguy cơ chính, đó là cao huyết áp. Ngoài ra cao huyết áp có những cái khác ví dụ như bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não như là phình động mạch, hoặc dạng dị dạng khác là dị dạng động tĩnh mạch, hoặc là những bệnh mạch máu não thoái hóa dạng bột. Thì đây là những bệnh lý về mạch máu ở trong não gây xuất huyết não.
NBBS: Cám ơn bác sĩ đã chia sẻ một cách chi tiết về các yếu tố nguy cơ của cả hai loại tai biến mạch máu não. Trong đó xuất huyết não dường như liên quan đến các bệnh lý về cấu trúc mạch máu não, còn nhồi máu não hay tai biến do thiếu máu cục bộ thì liên quan bởi nhiều yếu tố về cơ địa, lối sống, và các bệnh về chuyển hoá, và các bệnh nền khác. Chúng ta có thể bàn luận thêm về bệnh phình mạch máu não là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết não mà bác sĩ vừa kể để thính giả có thể hiểu thêm về bệnh hiếm gặp này được không Bác sĩ?
BS Khánh: Phình mạch não là một dạng dị dạng mạch máu não. Nó là một túi phình hình thành trên thành động mạch não, thường có hình túi hoặc hình thoi, thì đây là một dạng dị dạng thường gặp nhất, và thành túi phình do là dị dạng nên cấu trúc nó sẽ bất thường, nên dẫn đến là nó dễ vỡ hơn so với nếu là mách máu bình thường. Khi vỡ, nó sẽ gây ra xuất huyết não hoặc xuất huyết màng não.
NBBS: Cám ơn Bác sĩ rất nhiều. Vậy còn cơn thiếu máu não thoáng qua thì sao ạ
BS Khánh: Cơn thiếu máu não thoáng qua là một đợt cấp của những rối loạn chức năng thần kinh do thiếu máu cục bộ thoáng qua tạm thời. Nó giống như nhồi máu não nhưng triệu chứng lâm sàng của cơn thoáng thiếu máu não thì sẽ hồi phục hoàn toàn không quá một giờ. Trước đây định nghĩa cũ là 24 giờ, nhưng hiện tại những tài liệu định nghĩa lại là các triệu chứng sẽ hồi phục hoàn toàn trong một giờ, và kèm theo là không có những tổn thương về hình ảnh học. Chính vì cơn thoáng thiếu máu não là yếu tố nguy cơ rất là cao đưa bệnh nhân vào đột quỵ nhồi máu não thật sự, cho nên người ta mới đưa thời gian từ 24 giờ xuống một giờ là để cảnh báo đây là một yếu tố nguy cơ rất cao để mà bệnh nhân có một sự theo dõi và điều trị chặt chẽ.
NBBS: Bác sĩ có thể cho biết vậy bệnh nhân nên làm gì nếu được chẩn đoán phình mạch máu não hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua?
BS Khánh: Về bệnh học thì phình mạch máu não khác hoàn toàn với cơn thiếu máu não thoáng qua, nhưng mà khi bệnh nhân được chuẩn đoán là phình mạch não hay là cơn thoáng thiếu máu não thì điều quan trọng nhất mình phải làm là nên khám bác sĩ để nhận được những cái chỉ định điều trị thích hợp. Trong phình máu não sẽ tùy theo kích thước, vị trí, hình dạng, số lượng thì sẽ có những chỉ định xử lý, một là mình chỉ theo dõi thôi nếu nó không có những yếu tố dễ vỡ, còn nếu như mà nó có nguy cơ cao sẽ vỡ thì bác sĩ sẽ có những phương pháp can thiệp giống như là xử lý các túi phình đó đi để tránh nguy cơ bệnh nhân bị vỡ ra xuất huyết não. Còn về cơn thoáng thiếu máu não thì đây là một yếu tố nguy cơ cao để đưa bệnh nhân vô một cơn nhồi máu não thật sự, cho nên mình phải có chỉ định uống thuốc cho hợp lý và được theo dõi chặt chẽ.
NBBS: Vậy là cả hai loại đều cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện biến chứng sớm. Bác sĩ có thể giúp thính giả của podcast NBBS hiểu thêm về những triệu chứng thường gặp của tai biến mạch máu não được không ạ?
BS Khánh: Những triệu chứng thường gặp của TBMMN:
- Dấu hiệu thứ nhất là dấu hiệu ở mặt: Bệnh nhân bị méo miệng, nhân trung bị lệch, mờ nếp mũi má, bênh nếp mũi má bị yếu sẽ bị rũ xuống, khi bệnh nhân cười, nói hoặc nhe răng thì các dấu hiệu này rõ hơn.
- Dấu hiệu ở tay chân: Bệnh nhân sẽ bị tê cứng, mất cảm giác nửa thân người, yếu liệt tay chân cùng bên, ví dụ như cùng bên phải, bên trái, cụ thể hơn là bệnh nhân sẽ bị yếu liệt tay phải chân phải, hoặc tay trái chân trái.
- Dấu hiệu về nhận thức: Bệnh nhân sẽ bị rối loạn trí nhớ, ví dụ như bệnh nhân sẽ bị đột ngột mất trí nhớ, hoặc bệnh nhân đột ngột bị lơ mơ hôn mê nếu mà trường hợp bị nặng.
- Những dấu hiệu về giọng nói: Bệnh nhân có thể nói đớ, phát âm không rõ ràng, hoặc nói không được, thậm chí có những bệnh nhân không nói được tiếng nào, hoàn toàn là câm lặng, hoặc nói những câu không có ý nghĩa, ví dụ như mình hỏi một đằng bệnh nhân trả lời một nẻo, đây là một dạng mất ngôn ngữ trong đột quỵ.
- Những dấu hiệu về thị lực: Bệnh nhân có thể đột ngột mờ một mắt, hoặc cả hai mắt, hoặc bệnh nhân bị bán manh, có nghĩa là một phần thị trường nhìn trước mặt sẽ không có nhìn thấy.
Nên nhớ là đột quỵ là những cái gì đó đột ngột, cho nên những triệu chứng này sẽ xảy ra đột ngột, rất là nhanh, nhiều khi bệnh nhân đang rất là bình thường, đột ngột yếu liệt. Khi thấy bệnh nhân đột ngột xảy ra những triệu chứng nêu trên thì phải nghĩ ngay đến bệnh nhân có đột quỵ hay không.
NBBS: Cám ơn bác sĩ về câu trả lời chi tiết vừa rồi. Các triệu chứng của bệnh dường như biểu hiện ra bên ngoài cơ thể và với những đặc điểm chuyên biệt về biến đổi ở mặt và cử động tay chân thì hi vọng thính giả sẽ nhận biết được những bất thường như vậy khi bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng.
Áp dụng vào thực tế thì theo Bác sĩ vào lúc ấy họ nên làm gì kế tiếp?
BS Khánh: Ngay khi phát hiện bệnh nhân có triệu chứng thì lập tức mình nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất mà không nên làm bất cứ một điều gì khác làm chậm trễ thời gian vàng, là vì ở đột quỵ nhồi máu não có một khung giờ từ lúc khởi phát triệu chứng cho đến khi bệnh nhân được chỉ định sử dụng một thuốc đặc biệt là 4 đến 5 giờ. Đây là khoảng thời gian được gọi là thời gian vàng để mà thuốc này có thể làm tan cục máu đông. Vì thế nếu bệnh nhân đến trễ sau 4-5 giờ thì hầu như mình không có điều trị can thiệp được cho bệnh nhân.
NBBS: Có một vấn đề quan trọng mà chúng ta nên thảo luận để giúp thính giả hiểu đúng hơn về bệnh TBMMN. Một số người tin rằng các triệu chứng đột quỵ sẽ hết sau khi ngủ, nghỉ ngơi, sau khi uống các bài thuốc dân gian hoặc châm cứu. Bác sĩ có ý kiến gì về các quan niệm này?
BS Khánh: Theo Bác sĩ thì những quan niệm này không đúng, bởi vì những tế bào não một khi đã bị tổn thương, bị chết đi thì sẽ không bao giờ hồi phục. Bệnh nhân chỉ có thể tập vật lý trị liệu theo thời gian thì các triệu chứng có thể hồi phục một phần, nhất là các triệu chứng về vận động, nhưng bao giờ cũng để lại một di chứng. Có nghĩa là sự hồi phục cũng sẽ không hoàn toàn được. Bao giờ nó cũng để lại một cái di chứng nặng hoặc nhẹ, và cái vết sẹo ở trên não sẽ không bao giờ hết.
NBBS: Cám ơn lời giải thích khoa học và đúng đắn của Bác sĩ về vấn đề này. Như vậy có thể thấy được là nếu các bạn nhận thấy bản thân mình hoặc người thân có những triệu chứng nghi ngờ đột quỵ, thì các bạn hãy đi đến bệnh viện gần nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế ngay lập tức. Nhân đây Bác sĩ có thể cho biết việc chẩn đoán đột quỵ ở các cơ sở y tế tuyến đầu hay tuyến cơ sở thường được diễn ra như thế nào không ạ?
BS Khánh: Ở Việt Nam các cơ sở y tế tuyến đầu là những bệnh viện Quận, tại đó đa số đều có máy CT. Ngay lập tức những bệnh nhân mà nghi ngờ đột quỵ, khi tới cấp cứu sẽ được ngay lập tức chụp CT để chuẩn đoán là nhồi máu não hay xuất huyết não. Nếu bệnh nhân bị xuất huyết não thì câu chuyện sẽ dừng lại ở đó, và bệnh viện Quận sẽ tiếp tục điều trị. Với trường hợp nhồi máu não thì xem xét bệnh nhân còn trong giờ vàng hay không là từ lúc khởi phát bệnh còn trong vòng 4-5 giờ hay không. Nếu bệnh nhân vẫn còn trong giờ vàng thì ngay lập tức bệnh viện Quận sẽ chuyển đến những bệnh viện lớn, những trung tâm đột quỵ, ví dụ như bệnh viện Nhân Dân Gia Định, bệnh viện 115, hay bệnh viện Chợ Rẫy để xem xét dùng những thuốc làm tan cục máu đông, để có thể giúp bệnh nhân hồi phục. Thuốc đó gọi là thuốc tiêu sợi huyết.
NBBS: Cám ơn Bác sĩ đã giải thích kỹ càng quá trình chẩn đoán và điều trị của bệnh. Vậy các phương pháp điều trị đột quỵ hiện nay và việc chẩn đoán sớm đột quỵ đóng vai trò như thế nào trong tiên lượng của bệnh?
BS Khánh: Đối với những phương pháp điều trị về nhồi máu não hiện tại trong giai đoạn cấp thì có hai phương pháp: dùng thuốc tiêu sợi huyết, và phương pháp còn lại là sử dụng một kỹ thuật mới là can thiệp nội mạch, có nghĩa là đưa những dụng cụ vô hút những huyết khối, để giúp tái lưu thông lại những mạch máu. Trong điều trị cấp tính, mình có thể điều trị được là hai phương pháp trên. Ngoài ra là điều trị phòng ngừa, là kiểm soát những yếu tố nguy cơ nêu như ở trên.
Còn riêng về xuất huyết não thì kiểm soát chính là kiểm soát huyết áp, vì đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, còn nếu phát hiện ra những cái dị dạng mạch máu não như phình mạch thì mình cũng sẽ xem xét để điều trị phòng ngừa xuất huyết. Nếu như bệnh nhân được điều trị sớm, càng sớm thì sẽ cứu được những tế bào não hấp hối sẽ giúp cho bệnh nhân hồi phục, còn những tế bào não chết đi thì sẽ không làm gì được.
NBBS: Với các bệnh nhân mất chức năng do đột quỵ như yếu liệt, nói khó, mất thăng bằng, giảm thị lực thì bệnh nhân hồi phục không hoàn toàn. Nếu có thể thì quá trình hồi phục này thường mất bao lâu?
BS Khánh: Bệnh nhân bị TBMMN đa số chịu một di chứng nào đó, một số trường hợp di chứng nhẹ thì bệnh nhân hầu như có thể trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường. Còn đối với những bệnh nhân nặng, ví dụ như bệnh nhân yếu liệt, không tự đi đứng được, không tự chăm sóc bản thân mình được, lúc nào cũng cần phải có người trợ giúp thì những bệnh nhân này rất là cần được tập luyện, tập vật lý trị liệu đúng cách, và cần một sự ý chí kiên cường và nhẫn nại của bệnh nhân.
Theo năm tháng bệnh nhân cố gắng tập luyện đồng thời song song dùng thuốc đầy đủ để phòng ngừa tái phát, thì bệnh nhân cũng sẽ hồi phục, và hồi phục được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, giúp đưa bệnh nhân về với cuộc sống càng bình thường bao nhiêu thì càng tốt. Ví dụ bệnh nhân bị tai biến để lại di chứng liệt nửa người, nhưng nếu bệnh nhân hồi phục ở mức có thể tự chăm sóc bản thân mình được như tự tắm rửa, tự đi vệ sinh, tự ăn được thì điều này rất tốt rồi, không lệ thuộc vào người thân trong gia đình là đã rất quý rồi.
NBBS: Qua những thông tin Bác sĩ cung cấp, có thể thấy được đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Vậy chúng ta có cách nào để phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc căn bệnh này không Bác sĩ?
BS Khánh: Phòng ngừa TBMMN đó chính là mình kiểm soát lại những yếu tố nguy cơ mà có thể thay đổi được như đã nêu ở trên, ví dụ như kiểm soát huyết áp, đường huyết, cân nặng. Nếu bệnh nhân có cao huyết áp thì phải uống thuốc huyết áp đầy đủ, để chỉ số huyết áp lúc nào cũng ở trong một mức độ cho phép. Đường huyết cũng vậy, nếu bệnh nhân bị tiểu đường thì phải điều trị tiểu đường để cho đường huyết ổn. Cân nặng thì không để béo phì, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, không hút thuôc lá. Tất cả những biện pháp trên kiểm soát những yếu tố nguy cơ thì nó sẽ góp phần giảm được tỷ lệ TBMMN.
NBBS: Cám ơn Bác sĩ. Một số bệnh nhân đang dùng thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa đột quỵ thì đột ngột dừng do lo sợ thuốc có thể làm họ chảy máu mà không thể ngừng được. Bác sĩ có lời khuyên nào với những quan ngại này? Và việc đột ngột ngừng thuốc như vậy có thể dẫn đến những hậu quả gì?
BS Khánh: Ở những bệnh nhân này cần phải nói rõ những bệnh nhân này đã bị đột quỵ hay chưa, và thuốc này bệnh nhân tự uống để phòng ngừa vì sợ đột quỵ quá, hay là bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định uống thuốc rồi bệnh nhân sợ, rồi tự ý ngưng thuốc. Đối với những bệnh nhân chưa bị đột quỵ thì không có chỉ định sử dụng thuốc loãng máu để phòng ngừa. Mọi người nên nhớ là không có chỉ định tự ý dùng thuốc loãng máu để phòng ngừa đột quỵ. Bởi vì phòng ngừa đột quỵ là kiểm soát những yếu tố nguy cơ đã nêu trên, còn tự ý dùng những thuốc đó thì hoàn toàn không có chỉ định. Còn nếu những bệnh nhân đã bị đột quỵ nhồi máu não rồi, và có bác sĩ chỉ định dùng thuốc loãng máu thì nên tuân thủ. Vì đây là thuốc giúp phòng ngừa tái phát, trừ khi bệnh nhân có dấu hiệu hay nguy cơ chảy máu thì nên báo bác sĩ để cân nhắc lợi ích – nguy cơ giữa việc dùng thuốc hay ngưng thuốc. Bởi vì khi ngưng thuốc thì sẽ có nguy cơ đột quỵ nhồi máu não tái phát rất cao.
NBBS: Thay mặt thính giả xin thành thật cám ơn BS Khánh đã dành thời gian quý báu của mình để chia sẻ với thính giả của podcast NBBS về chủ đề tai biến mạch máu não. Podcast của chúng ta hôm nay kết thúc tại đây. Chúng tôi hy vọng các thính giả sẽ tìm thấy nhiều điều hay từ buổi phỏng vấn với BS Khánh về căn bệnh thường gặp, nguy hiểm này. Xin chào tạm biệt Bác sĩ.
BS Khánh: Xin chào em và xin chào quý vị thính giả.
NBBS: Từ giờ đến khi gặp lại các bạn ở podcast sau, hãy cùng nhau có những lựa chọn tốt để sức khoẻ của chúng ta mãi luôn dồi dào.