Theo tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong cao nhất trong các loại ung thư ở nữ giới. Ung thư vú có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và có thể tầm soát bằng các phương pháp phân tích di truyền học. Xin mời quí thính giả cùng lắng nghe podcast sau để hiểu rõ hơn về loại ung thư đáng sợ này.
NBBS: Xin kính chào quý vị thính giả. Hôm nay chúng tôi rất vui khi khi có dịp gặp lại các bạn ở tập này của podcast Người Bạn Bác Sĩ. Trong các chương trình podcast Người Bạn Bác Sĩ, chúng tôi sẽ nói chuyện với các chuyên gia y tế về các chủ đề sức khỏe mà mọi người thường gặp phải hoặc có câu hỏi. Chúng tôi làm điều này với mục đích giúp các bạn có thể đưa ra những lựa chọn sức khỏe tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Chủ đề của chúng ta ngày hôm nay là bệnh ung thư vú. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới và có tỉ lệ tử vong cao thứ hai trong các loại ung thư ở phụ nữ ngay cả ở những nước phát triển chỉ sau ung thư phổi. Trong buổi nói chuyện này, chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp thông tin đến quý thính giả: tại sao ung thư vú lại nguy hiểm, các phương pháp điều trị chính trong ung thư vú, và làm cách nào để tầm soát ung thư vú ở giai đoạn sớm.
Khách mời của chúng ta ngày hôm nay là Tiến sĩ Bác sĩ Phạm Tuấn Anh, hiện đang công tác tại bệnh viện K Hà Nội. Bác sĩ Phạm Tuấn Anh tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, học nội trú về ung bướu, và sau đó về làm việc tại bệnh viện K. Bác sĩ Tuấn Anh đã có nhiều cơ hội tu nghiệp ở nước ngoài như Singapore, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và cũng là thành viên của ASCO tên gọi của Hiệp hội Ung bướu lâm sàng Hoa Kỳ. Ngoài việc khám chữa bệnh về ung thư, Bác sĩ Tuấn Anh còn là đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học và sách. Bác sĩ Phạm Tuấn Anh, cảm ơn bác sĩ đã đồng ý tham gia podcast Người Bạn Bác Sĩ.
BS Tuấn Anh: Xin kính chào quý vị đang theo dõi chương trình.
NBBS: Cảm ơn bác sĩ. Đầu tiên, chúng ta sẽ bắt đầu với câu hỏi về tình hình ung thư vú ở Việt Nam. Bác sĩ Tuấn Anh có thể cho quý thính giả biết thêm thông tin về số ca ung thư vú mỗi năm ở Việt Nam được không ạ?
BS Tuấn Anh: Vâng, theo thống kê tại Việt Nam, hàng năm thì có khoảng 15 000 trường hợp ung thư vú mới mắc tại Việt Nam và số tử vong hàng năm là khoảng 6100 trường hợp. Và ước tính tại Việt Nam thì hiện có khoảng 42 000 phụ nữ đang sống chung với bệnh ung thư vú. Như vậy là ung thư vú cũng theo tình hình chung của thế giới, ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất trong các ung thư ở nữ tại Việt Nam.
NBBS: Vậy theo bác sĩ, số ca ung thư vú tăng cao như hiện tay có phải là vấn đề đáng quan ngại?
BS Tuấn Anh: Vâng thì cũng như tình trạng gia tăng các gánh nặng ung thư thì số ca ung thư vú tăng theo mỗi năm vậy thì cũng đáng lo ngại về mặt sức khỏe cộng đồng cũng như là về mặt gánh nặng với các vấn đề về kinh tế xã hội.
NBBS: Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tăng cao này và bác sĩ có cho rằng môi trường trường ô nhiễm hoặc chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh hiện nay liệu có liên quan gì đến tình trạng tăng cao này hay không?
BS Tuấn Anh: Vâng, nguyên nhân chính gây gia tăng ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng đấy là già hóa dân số. Bởi vì ung thư là bệnh của tuổi già. Ngoài ra có một cái chi tiết nữa đó là, điều kiện nhận thức của người dân tốt hơn, do vậy là chủ động đi khám tầm soát ung thư và như thế cũng phát hiện được nhiều ung thư hơn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến đến tình trạng gia tăng số ca mới mắc hàng năm. Tuy nhiên thì những yếu tố như tình trạng môi trường ô nhiễm hoặc là chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh, cùng với lối sống công nghiệp cũng là yếu tố góp phần gia tăng ung thư.
NBBS: Vậy còn nguyên nhân di truyền thì sao ạ?
BS Tuấn Anh: Nguyên nhân di truyền thì cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư vú. Mặc dù các tỉ lệ ung thứ vú do nguyên nhân di truyền thì cũng không phải là cao. Khi mà có người trong gia đình mà mắc ung thư vú, đặc biệt là mẹ hay là chị em gái thì nguy cơ mắc ung thư vú sẽ cao hơn và thường thì nó liên quan đến các đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Và để xác định các đột biến này thì phải làm các xét nghiệm về di truyền. Tuy nhiên là khi mà có mang gen đột biến thì không có nghĩa là chắc chắn bị ung thư vú. Tuy nhiên là sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Thậm chí đã có những số liệu cho thấy là có khoảng 80% có nguy cơ bị ung thư vú nếu mà mang gen đột biến này. Bởi vậy điều này đòi hỏi những người mang gen đột biến hoặc có những yếu tố di truyền thì phải phải đi khám sàng lọc sớm với tần suất theo như khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa để có thể phát hiện được kịp thời và có thể xử trí và điều trị triệt để được.
NBBS: Vậy theo những thông tin bác sĩ đã chia sẻ, chúng ta có thể thấy được việc tầm soát và chẩn đoán ung thư thư vú ở giai đoạn sớm đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cũng như là tiên lượng sau này.
BS Tuấn Anh: Đúng như vậy. Khi mà có bệnh và phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị cũng rất là đơn giản, triệt để và cũng ít tốn kém. Nhiều trường hợp có thể coi như là được chửa khỏi và bệnh nhân có thể trở lại được với cuộc sống và công việc bình thường.
NBBS: Vâng. Thật là phấn khởi khi nghe được thông tin này. Bác sĩ có thể nói thêm một chút về các phương pháp tầm soát ung thư vú hiện nay ở Việt Nam được không ạ? Và phụ nữ ở những độ tuổi nào thì nên làm các phương pháp tầm soát này?
BS Tuấn Anh: Hiện tại theo các khuyến cáo ở Việt Nam thì có 3 phương pháp để mà phát hiện sớm ung thư vú. Đấy là phương pháp tự khám vú thì được khuyến cáo là hàng tháng sau sạch kinh 5 ngày đối với phụ nữ từ 20 tuổi trở lên. Còn khám định kỳ ở cơ sở chuyên khoa thì được khuyến cáo là từ 1 đến 3 năm 1 lần đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Còn đối với phụ nữ trên 40 tuổi thì được khuyến cáo là khám hàng năm. Còn chụp X quang tuyến vú thì cũng được khuyến cáo là từ 40 tuổi trở lên, và cũng như là khám chuyên khoa thì cũng được khuyến cáo là nên tiến hành hằng năm. Và chụp X quang tuyến vú thì có thể là phát hiện được những tổn thương bất thường mà ngay cả khi mình không phát hiện được trên khám.
NBBS: Bác sĩ có nhắc đến phương pháp khám vú tại nhà. Và theo tôi được biết thì hiện nay Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ không còn khuyến cáo phương pháp này như một phần của chương trình tầm soát ung thư vú thường quy ở Mỹ. Vậy bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến khuyến cáo này và liệu khuyến cáo này có ảnh hưởng gì đến các chương trình tầm soát ung thư vú ở Việt Nam hay không?
BS Tuấn Anh: Có lẽ là có những khảo sát đánh giá ở Mỹ cho thấy là tự khám vú thì có độ chính xác không cao, do vậy thì không khuyến cáo tự khám vú. Tuy nhiên là việc mà tự đánh giá bằng cách quan sát sự bất thường của tuyến vú hay là những cảm giác bất thường về vú như là u cục, bất thường về hình dáng, da vùng tuyến vú dày lên hay là lõm, co kéo hoặc thay đổi màu sắc da; thì bao giờ cũng cần thiết để có thể đi khám chuyên khoa để xác định chẩn đoán. Thực ra thì khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về việc không đưa tự khám vú vào sàng lọc thì nó không mâu thuẫn với việc giáo dục bệnh nhân những dấu hiệu sớm của ung thư vú để có thể khám bác sĩ chuyên khoa kịp thời.
NBBS: Cảm ơn những thông tin rất hữu ích của bác sĩ. Những thông tin này có thể giúp quý thính giả hiểu thêm về tầm quan trọng của việc nhận biết những dấu hiệu bất thường ở vú để có thể đi khám kịp thời. Như vậy, nếu sau khi tầm soát mà phát hiện bất thường, thì quá trình chẩn đoán tiếp theo sẽ được diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?
BS Tuấn Anh: Trong việc chẩn đoán ung thư vú thì đầu tiên là người thầy thuốc lâm sàng phải hỏi về các tiền sử về bệnh tật về cá nhân, các yếu tố về gia đình, và thăm khám kỹ càng và toàn diện để đánh giá các tổn thương vú. Sau đấy thì để có thể chẩn đoán xác định thì phải chỉ định một số xét nghiệm trong đó thì có hai nhóm xét nghiệm quan trọng nhất: đấy là các xét nghiệm về mặt hình ảnh và về mặt mô bệnh học. Về hình ảnh thì người ta sử dụng các phương pháp như chụp nhũ ảnh, siêu âm, và chụp cộng hưởng từ tuyến vú để có thể đánh giá được các đặc điểm hình ảnh của khối u vú và để chẩn đoán xác định thì người ta phải sinh thiết. Tức là để biết được khối u lành hay ác thì phải sinh thiết.
Có thể sinh thiết bằng hình thức là đưa một cái kim lớn để lấy một mẫu u ra hoặc thậm chí là là sinh thiết mở trong một số trường hợp để lấy trọn khối u ra để đánh giá được trên mô học, xem là nó có thể là ung thư hay là u lành tính, và định thể mô học để biết được là nó xuất phát từ ống tuyến hay tiểu thuỳ. Sau khi có chẩn đoán thì các bác sĩ sẽ đưa ra một số số những một số xét nghiệm để đánh giá xem khối u đã lan tràn tới đâu. Các xét nghiệm này bao gồm siêu âm ổ bụng hoặc chụp phổi, chụp cắt lớp toàn thân, xạ hình xương hay thậm chí cao cấp hơn nữa là chụp PET CT. Ngoài ra thì khối u đấy cũng được các bác sĩ đánh giá về các đặc điểm về sinh học phân tử để xem về tiên lượng của bệnh ung thư thế nào để có thể định hướng được các phương pháp điều trị có lợi ích cho người bệnh.
NBBS: Vâng, nói về những xét nghiệm về mặt hình ảnh như siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh, trên bản kết quả thường đề cập đến chỉ số BI-RADS. Vậy chỉ số này là gì và có giá trị như thế nào trong việc chẩn đoán ung thư vú?
BS Tuấn Anh: Vâng, chỉ số này được đưa ra để đánh giá tiềm năng ác tính của khối u trên siêu âm hoặc trên nhũ ảnh, để có hướng xử trí tiếp theo thích hợp. Chẳng hạn như là BI-RADS 2 thì có thể đánh giá là tổn thương đấy lành tính. Tức là mình cũng không phải làm những thăm dò gì thêm như là lại sinh thiết hoặc là làm tế bào học. Nhưng mà BI-RADS 3 thì bắt đầu có khả năng là nghi ngờ ác tính nhưng nguy cơ cũng thấp thôi, thì có thể cân nhắc để làm thêm các thăm dò khác để chẩn đoán. Tương tự như vậy thì BI-RADS 4 hoặc là BI-RADS 5 thì có các dấu hiệu gợi ý ác tính và đòi hỏi mình phải có những ứng xử phù hợp để mà có thể chẩn đoán được khối u này. Còn BI-RADS 6 thì đã có cái bằng chứng ác tính trên giải phẫu bệnh rồi.
NBBS: Cảm ơn bác sĩ. Hy vọng với thông tin bác sĩ vừa cung cấp, quý thính giả cũng có thể hiểu được thêm nhiều thông tin khi có trên tay kết quả siêm âm vú hoặc chụp nhũ ảnh của mình. Lúc nãy bác sĩ có đề cập là để chẩn đoán xác định ung thư vú, cần phải tiến hành sinh thiết để đánh giá trên mô bệnh học. Theo tôi được biết thì các kết quả mô bệnh học của ung thư vú đều được chỉ định xét nghiệm thêm các dấu ấn sinh học như là ER, PR, HER2, và Ki67.
Vậy thì bác sĩ có thể cho biết những dấu ấn sinh học này là gì và việc xét nghiệm những dấu ấn sinh học này thì có ảnh hưởng gì đến quá trình điều trị cũng như là tiên lượng ung thư vú?
BS Tuấn Anh: Những markers này chính là những protein ở trên bề mặt của tế bào ung thư. Thì việc xác định các thụ thể này: ER, PR, và HER2 sẽ giúp xác định những đặc tính sinh học của tế bào ung thư và sẽ giúp lựa chọn những phác đồ điều trị tốt nhất cũng như là tiên lượng ung thư này nó sẽ tiến triển nhanh hay chậm hoặc khả năng di căn, tiềm năng đáp ứng với các phương pháp điều trị nội tiết hay là điều trị đích kháng HER2 hay không. Chẳng hạn như là thụ thể nội tiết mà âm tính thì u thuộc về nhóm không phụ thuộc nội tiết, thì thường là có tiên lượng xấu hơn và thường thì sẽ có thể đáp ứng với hóa trị và không có đáp ứng với điều trị nội tiết. Và tương tự như vậy thì nếu thụ thể HER2 bộc lộ thì thường là nó sẽ liên quan đến những yếu tố tiên lượng xấu. Khối u sẽ phát triển nhanh hơn hơn và nhiều khả năng di căn xa và nó sẽ có tiềm năng đáp ứng với liệu pháp kháng HER2, mà thuốc tiêu biểu được dùng nhiều là thuốc Trastuzumab, biệt dược là Herceptin. Tôi nói thêm một chút về việc xét nghiệm kháng HER2 thì người ta có thể xét nghiệm bằng hoá mô miễn dịch, xác định protein HER2 trên màng tế bào hoặc người ta cũng có thể xét nghiệm gen để đo các số phiên bản của gen HER2 có trong nhân tế bào.
NBBS: Vậy còn chỉ số Ki-67 là như thế nào ạ? Một số bệnh nhân lo lắng rằng chỉ số này cao có nghĩa là u có khả năng tái phát cao, điều này có đúng không ạ?
BS Tuấn Anh: Tiên lượng của ung thư vú bao gồm rất nhiều yếu tố. Ngoài các giai đoạn như là kích thước u hoặc là di căn hạch thì những đặc tính sinh học phân tử cũng rất là quan trọng. Và bên cạnh ER, PR là các thụ thể nội tiết và HER2 như tôi vừa mới trao đổi thì Ki67 cũng là một yếu tố tiên lượng. Ki-67 cũng là một xét nghiệm về một protein là thụ thể trên bề mặt tế bào. Nó liên quan đến tốc độ phát triển và phân chia nhanh của các tế bào ác tính. Và trong báo cáo về bệnh ung thư vú thì Ki67 được đưa ra dưới dạng phần trăm trên tế bào ung thư vú dương tính với lại protein này và khi mà dương tính càng cao thì tốc độ phân bào và tăng trưởng của tế bào ung thư càng nhanh, đặc biệt là giá trị mà trên 30.
NBBS: Vâng, cảm ơn bác sĩ đã có những chia sẻ hữu ích về sự ảnh hưởng của những đặc tính sinh học phân tử trong điều trị và tiên lượng ung thư vú. Nói một chút về việc điều trị ung thư vú, phần lớn bệnh nhân rất e ngại về các tác dụng phụ có thể gặp trong quá trình điều trị đặc biệt là quá trình hoá và xạ trị. Bác sĩ có thể cho biết thêm về những tác dụng phụ này được không ạ?
BS Tuấn Anh: Đối với tác dụng phụ của xạ trị thì thường tác dụng phụ phổ biến nhất là tác dụng phụ trên da tại các trường chiếu xạ. Và nó cũng có thể gây ra những triệu chứng như mệt mỏi và cũng tùy theo là chiếu vào vú bên nào thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến cơ quan lân cận, chẳng hạn như là nó có thể ảnh hưởng đến phổi khi gây ra các triệu chứng xơ/viêm phổi do xạ trị hoặc cũng có thể ảnh hưởng đến tim. Tuy nhiên là với tiến bộ của xạ trị hiện nay bằng việc tối ưu hoá liều tại vị trí tổn thương và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến mô lành do vậy đã có thể giảm thiểu được những biến cố lớn do xạ trị.
Còn đối với hoá trị thì những tác dụng phụ do hoá trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại phác đồ, liều lượng của thuốc, thời gian điều trị hoặc là cả những vấn đề về việc dung nạp của người bệnh. Tuy nhiên là những cái tác dụng phụ phổ biến hay gặp là cảm giác như là mệt mỏi, ăn uống kém, nôn, buồn nôn, rụng tóc, đi ngoài, viêm niêm mạc miệng, ảnh hưởng trên da, hoặc là thay đổi các chỉ số về máu, có thể ảnh hưởng đến các chức năng gan thận hoặc là có thể gây ra tình trạng sốt nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên thì cũng tương tự như xạ trị, ở thời điểm hiện tại thì chúng ta có những thuốc hỗ trợ hoặc kiểm soát tác dụng phụ tương đối tốt. Chẳng hạn như là các thuốc chống nôn hoặc là những thuốc dự phòng phản ứng thuốc, hạ bạch cầu hoặc là các thuốc kích thích tăng sinh các dòng tế bào máu. Cho nên việc điều trị hoá trị hiện nay thì tác dụng phụ cũng được giảm thiểu tối đa và và trong một số trường hợp mà bệnh nhân dung nạp kém thì các bác sĩ có thể thay đổi kế hoạch điều trị. Tức là có thể là tạm dừng điều trị, hoặc là giảm liều, hoặc là thay đổi sang cái liệu trình khác.
NBBS: Vậy còn đối với các bệnh nhân có những tác dụng phụ nhẹ như loét miệng, ăn uống kém thì có những phương pháp nào giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình điều trị không ạ?
BS Tuấn Anh: Ngoài những vấn đề về thuốc men hỗ trợ như tôi vừa đề cập thì cũng sẽ có những hướng dẫn cho bệnh nhân để có thể giảm thiểu những cái ảnh hưởng của tác dụng phụ. Chẳng hạn như tôi hướng dẫn trong trường hợp bệnh nhân mà mệt mỏi thì có thể là nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn, hạn chế những công việc nặng.
Còn đối với những tác dụng phụ liên quan đến buồn nôn thì ngoài thuốc chống nôn thì người bệnh có thể dùng thêm những thuốc về an thần kinh hay là trà gừng, vì cũng có một số hướng dẫn người ta cũng đề nghị là có thể giảm buồn nôn.
Đối với những tác dụng phụ trên hệ tiêu hoá thì có thể hướng dẫn người bệnh giữ gìn vệ sinh ăn uống, rửa tay, uống đủ nước. Vì hoá trị đã ảnh hưởng đến niêm mạc tiêu hoá nên mình cũng làm thế nào để giảm thiểu các nguy cơ có thể gây ra nhiễm khuẩn tiêu hoá. Hay là những biến chứng về sốt nhiễm khuẩn thì mình cũng nên hướng dẫn người bệnh nên tránh chỗ đông người để đề phòng lây nhiễm đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh phức tạp như hiện nay, bởi vì cơ thể người bệnh thì do ảnh hưởng của hóa trị nên sức đề kháng không được tốt. Nhìn chung thì cũng nên theo dõi chặt chẽ và khi mà xuất hiện những tác dụng phụ này thì cũng nên trao đổi thông tin với các bác sĩ điều trị để bác sĩ điều trị có thể theo dõi, đánh giá, và có hướng xử trí phù hợp.
NBBS: Vâng, cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin bổ ích này. Trở lại với vấn đề tiên lượng thì hiện nay tỉ lệ sống còn đối với ung thư vú giai đoạn sớm giai đoạn muộn có khác biệt lớn không ạ?
BS Tuấn Anh: Thì cũng có khác biệt lớn. Theo những thống kê chung thì tỉ lệ sống thêm 5 năm theo giai đoạn, đối với giai đoạn 1 và 2 của ung thư vú thì có thể lên đến 90-95%. Còn giai đoạn 3 thì giảm xuống 70-80%. Còn giai đoạn 4 thì tỉ lệ sống thêm 5 năm tụt xuống còn 30%. Còn tính chung thì nhờ các tiến bộ về mặt điều trị và phát hiện sớm thì tính chung các giai đoạn thì hiện tại tỉ lệ sống thêm 5 năm của ung thư vú thì có thể lên tới 50-60%.
NBBS: Với tình hình Covid đang diễn tiến phức tạp như hiện nay và vắc xin Covid vẫn là một thành tựu y khoa khá mới mẻ với mọi người, xin bác sĩ có thể cho biết mức độ an toàn của vắc xin Covid đối với những bệnh nhân đang điều ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng được không ạ?
BS Tuấn Anh: Bệnh nhân ung thư là bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch do điều trị và do bệnh. Do vậy, là cũng thuộc nhóm ưu tiên cần tiêm vắc xin Covid. Hiện tại thì cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng cho thấy là vắc xin Covid ảnh hưởng đến liệu trình điều trị ung thư và ngược lại việc điều trị ung thư thì cũng không ảnh hưởng đến tác dụng của vắc xin. Tuy nhiên là cũng giống như các loại vắc xin khác, thì những trường hợp mà bệnh nhân cơ địa ức chế miễn dịch đặc biệt do hoá chất liều cao thì người ta khuyến cáo là đối với cơ địa suy giảm miễn dịch nặng nề thì việc tiêm vắc xin cũng bị ảnh hưởng đến hiệu quả. Tuy nhiên nhóm bệnh nhân này không nhiều và đa số bệnh nhân ung thư thì nên được tiêm vắc xin Covid càng sớm càng tốt và cũng là nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin.
NBBS: Như vậy thì có một số bệnh nhân không thể tái khám và lấy thuốc trong tình hình dịch bệnh hiện nay thì việc gián đoạn dùng thuốc có ảnh hưởng như thế nào đến điều trị ung thư vú và bác sĩ có lời khuyên nào cho những bệnh nhân trong hoàn cảnh này.
BS Tuấn Anh: Vấn đề gián đoạn dùng thuốc thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Nó sẽ tăng các nguy cơ tái phát và tiến triển ung thư. Và trên thực tế thì cũng có những khảo sát minh chúng điều này. Do vậy nếu bệnh nhân không thể đến bệnh viện được để tiếp tục điều trị thì bệnh nhân nên phối hợp, trao đổi chặt chẽ với bác sĩ điều trị để có thể thực hiện thăm khám, đánh giá, và điều trị từ xa. Chẳng hạn như là đối với bệnh nhân trong những vùng bị phong toả thì các bác sĩ có thể đổi sang các liệu trình với các tần suất thưa hơn hoặc là có thể đổi dạng thuốc từ dạng truyền sang dạng uống. Hoặc là đối với các bệnh nhân có thụ thể nội tiết dương tính thì có thể tạm thời trong thời gian dịch bệnh thì có thể chuyển sang duy trì bằng thuốc nội tiết đường uống mà có thể dễ tiếp cận tại địa phương bệnh nhân cư trú. Tóm lại người bệnh cần có những trao đổi và tham vấn cụ thể với bác sĩ điều trị để bác sĩ điều trị có thể hướng dẫn những phương pháp dễ dàng tiếp cận tại địa phương hoặc là những phương pháp tạm thời trong thời gian địa phương đó bị phong toả.
NBBS: Cảm ơn bác sĩ rất nhiều vì đã chia sẻ những thông tin quý báu đối với quý thính giả của podcast Người Bạn Bác Sĩ. Ngoài những thông tin trên thì bác sĩ còn có lời nào muốn gửi đến thính giả của chương trình không ạ?
BS Tuấn Anh: Tôi cũng muốn gửi đến một thông điệp. Thứ nhất là ung thư vú có tiên lượng tốt đặc biệt đối với người bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm. Một số bệnh nhân có quan niệm là bệnh ung thư là bản án tử hình, nhưng thực tế thì đặc biệt là bệnh ung thư vú giai đoạn sớm thì với thành tựu y học hiện nay thì có thể chữa khỏi. Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn muộn hơn thì với thuốc men hiện tại cũng có thể giúp duy trì được chất lượng cuộc sống, kiểm soát được bệnh và người bệnh thì có thể sống chung như là một bệnh mạn tính và vẫn tham gia được sinh hoạt cuộc sống và công việc của mình bình thường. Do vậy là việc bị chẩn đoán ung thư vú cũng không phải là điều gì quá nặng nề và nghiêm trọng. Và người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan để cùng với bác sĩ chiến thắng bệnh tật.
Cảm ơn BS Phạm Tuấn Anh đã dành thời gian để tham gia chương trình của chúng tôi ngày hôm nay. Hẹn gặp lại quý thính giả trong những tập tiếp theo của podcast Người Bạn Bác Sĩ.