Tình trạng bệnh COVID-19 hiện nay?
Cách điều trị bệnh ở nhà như thế nào?
Hiểu đúng về các chủng COVID hiện tại và cách thức điều trị như thế nào để giảm thiểu nguy cơ tử vong?
Hãy cùng Người Bạn Bác Sĩ thảo luận những điều liên quan đến dịch bệnh COVID-19 hiện nay với bác sĩ Ngô Thị Tuyết Hạnh, hiện đang công tác tại bộ môn mô phôi giải phẫu bệnh, đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
NBBS: Xin gửi lời chào đón quý thính giả của podcast Người Bạn Bác Sĩ (NBBS). Tôi là bác sĩ Mai Anh Đoàn một bác sĩ sản phụ khoa hành nghề nhiều năm tại hai tiểu bang California và New York, Hoa Kỳ. Tôi rất lấy làm hân hạnh được tham dự vào podcast này cùng các bạn đồng nghiệp chung một tâm nguyện đem những tin tức y khoa cập nhật nhất đến chia sẻ cùng với quý thính giả. Hôm nay chúng tôi mời được bác sĩ Ngô Thị Tuyết Hạnh đến cùng chúng ta ngày hôm nay. Xin mời bác sĩ Hạnh có lời chào đón quý thính giả của podcast.
Bác sĩ Hạnh: Tôi là bác sĩ Ngô Thị Tuyết Hạnh, hiện đang công tác tại bộ môn Mô phôi – Giải phẫu bệnh, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Rất vui mừng được chào đón các anh chị và cô chú đã nghe podcast ngày hôm nay.
NBBS: Ngày hôm nay chúng ta sẽ có được cơ hội để cùng nhau học hỏi về tình trạng bệnh COVID. Ở các nước phương Tây thì tỉ lệ nhập viện cho người được chích vắc xin rồi thì rất thấp nhưng mà một số người được tiêm chủng vẫn bị nhiễm COVID 19 thì bác sĩ có thể cho biết đây có phải là loại nhiễm bệnh sau vắc xin hay còn gọi là các ca nhiễm đột phá đang có ở Việt Nam?
Bác sĩ Hạnh: Thực sự mà nói không có loại vắc xin nào mà hiệu quả 100% cho việc ngăn chặn nhiễm virus hết. Thêm vào đó, chủng Delta hiện nay lây lan rất là nhanh. Thành ra các ca nhiễm COVID đột phá càng nhiều hơn nữa. Các khu vực đông dân cư có tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp thì sẽ có tình trạng lây nhiễm cao. Tôi thấy những ca nhiễm đột phá sau khi chích 2 mũi sau thời gian 14 ngày thì thời gian bệnh rất ngắn và cũng phát bệnh rất nhẹ. Nhưng mà những người đó lại là các nguồn lây. Nhiều khi họ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thoáng qua họ không để ý thành ra họ trở thành nguồn lây cho những người khác. Dù là mình chích rồi hay chưa chích thì chúng tôi cũng khuyên người dân hay bệnh nhân phải thực hiện 5K nghĩa là: Phải đeo khẩu trang, hoặc là giữ khoảng cách hoặc phải rửa tay.
NBBS: Hiện nay tôi thấy nhiều người đang điều trị cho bản thân và cho người thân tại nhà sau khi bị nhiễm COVID. Xin bác sĩ Hạnh cho lời khuyên dành cho những người này nếu họ bị nhiễm bệnh nhưng không đủ nặng để được nhập viện hoặc là họ sợ đến bệnh viện?
Bác sĩ Hạnh: Thành phố Hồ Chí Minh đã có một công văn đó là 5450 của Sở y tế vào ngày 10/08/2021 là cho điều trị F0 tại nhà. Dựa trên công văn đó, trường Đại học Y dược của chúng tôi đã thành lập một đội được gọi là đội điều trị F0 tại nhà. Những người dân mà thứ nhất là họ sợ đi cách ly hoặc họ không đến được bệnh viện, thì họ ở nhà họ điều trị và các bác sĩ của Đại học Y dược sẽ thăm khám, theo dõi họ qua video call. Nghĩa là sẽ gọi điện cho bệnh nhân mỗi ngày để coi tình trạng. Những người điều trị tại nhà nếu mà không tiếp xúc được với nhân viên y tế thì phải cần chú ý:
- Thứ nhất là phải có máy đo nhiệt độ
- Thứ hai là máy đo SPO2 (tức là đo nồng độ oxy trong máu)
- Thứ ba là người bệnh phải cách ly tại nhà không được đi ra ngoài để tránh lây lan cho người khác ở ngoài và phải cách ly cho người trong nhà của mình(thí dụ là phải có một phòng riêng).
Tiêu chuẩn việc cách ly tại nhà đó cần phải có phòng riêng để cách ly lây nhiễm cho những người trong gia đình. Người trong gia đình mà tiếp tế đồ ăn thì cũng phải luôn giữ khoảng cách, mang khẩu trang, thực hiện 5K giữ khoảng cách, khử khuẩn nghĩa là mình rửa tay thường xuyên và sạch sẽ.
Tại vì lây nhiễm là thường do thứ nhất là tiếp xúc, thứ hai là do mặt bàn, mặt ghế dơ rồi virus nó ở trên thành ra là mình phải vệ sinh, rồi những đồ mình dùng thì ngâm xà phòng hoặc là đun sôi. Và thứ hai là về mặt dinh dưỡng là cần ăn thức ăn dễ tiêu. Hoặc nếu mình ở một mình thì phải chuẩn bị đồ ăn trước để nếu mà bệnh trở nặng thì mình có đồ ăn mình ăn.
Rồi mình phải giữ như thế nào để bình thường khi mình sinh hoạt ở nhà mình có thể tập thể dục, hoặc mình có cái video tập thở để mình tự tập hít thở để gia tăng oxy trong máu rồi mình phải chuẩn bị một số thuốc. Ví dụ là thuốc không kê đơn là những thuốc trị triệu chứng thông thường như là sốt, ho, vitamin tăng đề kháng, hoặc là một số thuốc kê đơn do bác sĩ kê đơn. Khi mà điều trị F0 tại nhà Viêt Nam cũng có thể phát những gói thuốc cho bệnh nhân là thuốc A, thuốc B, thuốc C, thì bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Nhưng mà cái quan trọng nhất trong quá trình điều trị tại nhà là bệnh nhân phải giữ bình tĩnh, giữ liên lạc với cơ quan y tế hoặc là bác sĩ riêng của mình. Bệnh nhân có thể gọi số 1022 (cơ quan y tế) hoặc 115 khi bệnh trở nặng hoặc cần di chuyển. Trong tháng 7-8-9, tình trạng nhiễm ở thành phố HCM đang rất cao, thành ra là những bệnh nhân ở nhà điều trị họ không liên lạc được với cơ quan y tế, do đó chúng tôi khuyến khích họ nên tham gia vào chương trình thăm khám qua video call của chúng tôi.
NBBS: Như lúc nãy bác sĩ nói là người bệnh nên chuẩn bị những thiết bị để đo nhiệt độ và SPO2, vậy nếu mà không có thiết bị đó tại nhà thì họ có thể xin được hay họ có thể mua được của hội y tế không?
Bác sĩ Hạnh: Dạ được chị! Trong đợt dịch này thì có hai nhà thuốc họ chuyên cung cấp những thiết bị đó và họ cử nhân viên đem tới nhà cho bệnh nhân để nếu bệnh nhân muốn mua thì mua. Còn bên nhóm của chúng tôi thì cho bệnh nhân miễn phí luôn. Tức là xin kinh phí từ mạnh thường quân, rồi mình mua xong rồi mình phát cho người nhà. Thì cũng có một số người họ chuẩn bị sẵn hết, cũng có một số là mình cho họ, cũng cho rất là nhiều luôn.
NBBS: Bác sĩ nói là có các loại thuốc là có thể được phát ra để uống tại nhà thì những loại thuốc nào hiện có sẵn để điều trị COVID tại nhà hoặc trong bệnh viện? Một điều nữa là bác sĩ có thể cho mọi người biết thêm những loại thuốc nào mà có thể có tác dụng và loại nào thì có thể gây nguy hiểm vì mình nghe trên mạng đủ thứ tin hết, thành ra xin bác sĩ thông tin chính xác đến quý thính giả.
Bác sĩ Hạnh: Ở Việt Nam, từ công văn cho điều trị tại nhà thì họ sẽ cho trong đó có gói thuốc luôn: gói thuốc A, gói thuốc B, gói thuốc C. Gói thuốc A là gói thuốc mình có thể tự sử dụng ví dụ là thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng, các loại vitamin, và thuốc ho. Gói thuốc B là gói thuốc điều trị kháng viêm corticoid hoặc là kháng đông. Còn gói thuốc C là gói thuốc kháng virus, thì thuốc kháng virus ở Việt Nam hiện đang dùng là molnupiravir. Đây là một loại thuốc để điều trị kháng virus cho bệnh nhân nhiễm COVID nhẹ từ ngày thứ nhất đến ngày thứ năm. Thuốc này là thuốc đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Thì sau khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba cho các các bệnh viện thì ở bệnh viện Thống Nhất cũng đã báo cáo là chúng có giá trị ngăn ngừa virus. Tức là trong thử nghiệm từ ngày 1 đến ngày 5 cho bệnh nhân uống thuốc thì mình thử test nhanh lại thì bệnh nhân âm tính, nó cũng giảm 50% nguy cơ tử vong nhưng mà mình chỉ được sử dụng từ ngày 1 đến ngày 5 thôi. Tại vì thuốc này kháng virus từ ngày 1 đến ngày 5 – chính là thời gian mà virus nhân lên rất là nhanh, thì mình dùng hiệu quả nó rất cao. Ngoài ra ở thành phố HCM có một số loại thuốc nữa là remdesivir. Thuốc này được dùng trong bệnh viện và cho bệnh nhân từ trung bình đến nặng. Còn có favipiravir là thuốc của Nga điều trị bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình, thuốc này cũng được dùng ở trong bệnh viện. Việt nam thì chưa có kháng thể đơn dòng. Một số loại thuốc sẽ có tác dụng phụ. Ví dụ nếu mà mình dùng corticoid thì có thể gây ra những triệu chứng loạn thần hoặc là mất ngủ hoặc là thuốc làm tăng hoạt động của vùng hạ đồi tuyến yên, dẫn đến tăng huyết áp. Còn ví dụ thuốc kháng đông mình tự dùng ở nhà có thể gây xuất huyết tiêu hóa, có một số ca xuất huyết dạ dày rồi đi cấp cứu luôn nếu mà mình tự dùng. Còn thuốc kháng virus molnupiravir thì chống chỉ định cho bệnh nhân có thai, thành ra cái gói thuốc A là cái gói thuốc mà bệnh nhân không cần kê đơn thì bệnh nhân có thể uống được nhưng mà đối với gói thuốc B và C thì mình phải có được sự hướng dẫn của bác sĩ. Thường là các loại thuốc kháng viêm và ức chế miễn dịch thì mình không được dùng sớm. Tức là lúc đó virus đang trong thời kỳ nhân đôi mà mình ức chế miễn dịch thì lại càng làm cho virus tăng nhanh, gây ra những ảnh hưởng nặng về sau.
NBBS: Nhưng mà tôi thấy Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn COVID lúc ban đầu nhưng mà phải chịu đựng rất nhiều từ biến thể Delta. Vậy thì trong tương lai có các biến thể có thể gây ra tình trạng hạn chế và phong tỏa đáng kể như đợt dịch biến thể Delta vừa rồi và liệu rằng vắc xin có thể làm tình hình chuyển biến tốt hơn hay không?
Bác sĩ Hạnh: Qua những kinh nghiệm chống dịch vừa qua thì thành phố Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên nhận ra được mô hình truy vết và cách ly triệt để, vốn thành công ở những đợt dịch trước thì bây giờ thấy là nó không còn hiệu quả nữa. Do biến thể Delta lây lan quá nhanh mà khi đó mình cứ truy vết, truy vết xong rồi gom lại cách ly tập trung thì bây giờ sẽ bùng dịch rất nhanh. Từ nhận định đúng đắn đó, mình bắt đầu điều chỉnh lại quy trình chống dịch trong cuộc họp quốc hội ngày 10/1. Lúc đó, ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rằng bây giờ điều cần thiết nhất là phải đủ vắc xin, đủ cho toàn bộ các tỉnh thành cho toàn quốc. Nhưng mà dựa vào vắc xin thì chưa đủ, mình phải giám sát y tế thật nghiêm ngặt, bắt đầu thực hiện tình trạng gọi là bình thường mới – nghĩa là không có lockdown nữa. Lúc trước là lockdown toàn bộ, nói chung là không được đi đâu, không được làm gì trừ nhân viên y tế với một số người có công vụ. Bây giờ mình sống an toàn với đại dịch nên việc cách ly phong tỏa như trước là chắc chắn không thể xảy ra được, bởi vì nó không có hiệu quả. Nếu mình chích vắc xin đầy đủ thì tình hình nó sẽ khả quan hơn. Theo kinh nghiệm đã thấy ở các nước trên thế giới cũng như ở thành phố Hồ Chí Minh, khi được phủ vắc xin thì tỉ lệ mắc đã khác hẳn luôn. Bây giờ các địa phương bùng dịch chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam Bộ và những chỗ chưa được phủ vắc xin đủ hết.
NBBS: Nếu theo bác sĩ thấy có nhiều người mà họ bị một loại bệnh gì khác khiến họ không thể tiêm vắc xin thì làm thế nào để họ có thể được bảo vệ khỏi bị lây nhiễm?
Bác sĩ Hạnh: Hiện nay thì có một số loại vắc xin có thể tiêm cho bệnh nhân có bệnh lý nền. Riêng những người không thể tiêm được như những người đang điều trị bệnh ung thư, đang xạ trị, đang bị viêm gan tối cấp, hoặc là họ bị sốc phản vệ không thể tiêm vắc xin được thì số lượng này trong cộng đồng khá ít. Nhưng mà khi cộng đồng của mình đã tiêm vắc xin đầy đủ rồi thì vắc xin có thể bảo vệ cả cộng đồng khỏi sự lây nhiễm. Ngoài ra mình cần phải tuân thủ thêm nguyên tắc 5K tức là nguyên tắc phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc nhau, hoặc tiếp xúc xa không tiếp xúc gần, hoặc là mình phải nâng cao sức đề kháng, ngủ đủ, tập thể thao tăng sức đề kháng cho mình và cho mọi người.
NBBS: Xin cám ơn bác sĩ Hạnh rất nhiều. Vậy thì bác sĩ còn có thêm điều gì mà có thể chia sẻ với các thính giả của chúng ta về dịch COVID không?
Bác sĩ Hạnh: Thật ra tất cả mọi người chúng ta ai cũng muốn đại dịch này nhanh chóng qua đi để trở lại cuộc sống bình thường. Nếu mình muốn như vậy thì mình phải chung tay phụ giúp lẫn nhau. Có thể mình không có chuyên môn về y tế thì mình có thể phụ giúp về mặt ý thức và hành vi, tức là mình phải tuân thủ về các nguyên tắc phòng bệnh và có ý thức bảo vệ bản thân, gia đình, và cộng đồng. Để người dân họ không có lơ là hoặc chủ quan, cũng như giúp họ không phải hoang mang thì mình phải có những chiến lược truyền thông đúng đắn. Những nhân viên y tế có trách nhiệm là phải truyền thông cho dân họ biết để họ không hoang mang và cũng cần tiêm vắc xin sớm nhất có thể để cho người dân họ yên tâm.
NBBS: Ngày hôm nay chúng tôi thật sự rất là cám ơn bác sĩ Ngô Thị Tuyết Hạnh đã cùng chia sẻ những điều quan trọng về bệnh đại dịch COVID hiện nay đang hoành hành trên khắp thế giới và đặc biệt nhất là tại Việt Nam. Và bác sĩ thực sự là một trong những người bạn bác sĩ của chúng tôi và của quý thính giả của kênh podcast Người Bạn Bác Sĩ. Từ giờ cho đến khi chúng ta gặp lại nhau ở podcast sau thì xin các bạn hãy cùng nhau có lựa chọn tốt để sức khỏe của chúng ta mãi luôn dồi dào. Xin kính chào quý thính giả. Xin mời bác sĩ Hạnh có lời chào quý thính giả.
Bác sĩ Hạnh: Thực sự là rất vui khi có thể trò chuyện cho podcast NBBS. Nhân đây tôi xin gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả các quý thính giả đang nghe podcast cũng như là mong quý thính giả có thể giữ sức khỏe cho mình, cho gia đình và cho cộng đồng để cho chúng ta có thể chung tay để vượt qua đại dịch này. Xin cám ơn!