NBBS: Xin hân hoan gửi lời chào đến quý khán giả của Người Bạn Bác Sĩ. Tôi hy vọng quý vị đã theo dõi chương trình vừa qua của chúng tôi. Tôi là BS Mai Anh Đoàn. Hôm nay, tôi rất lấy làm hân hạnh được chào đón bác sĩ nha khoa Henry Minh Phan đến để chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe răng miệng cho cả người lớn và trẻ em. BS Minh sinh ra tại Nha Trang và lớn lên tại Đà Lạt. Bác sĩ tới định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ vào năm 1986. Bác sĩ tốt nghiệp cử nhân kỹ sư điện tại đại học George Washington tại Washington D.C., Hoa Kỳ vào năm 1991 và bằng bác sĩ nha khoa tại đại học New York University tại tiểu bang New York, Hoa Kỳ vào năm 1998. Bác sĩ có văn phòng nha khoa tại tiểu bang Arizona từ năm 1998. Bác sĩ lập gia đình và có ba người con, hai trai và một gái. Bác sĩ hay thích làm văn thơ, nghiên cứu gia phả, vườn tược, leo núi, và làm công việc thiện nguyện. Xin kính chào BS Minh và xin mời bác sĩ gửi lời chào đến quý khán giả của chúng ta.
BS Minh Phan: Xin cảm ơn BS Mai Anh Đoàn đã tổ chức một cuộc họp mặt hôm nay để Henry có thể trình bày những gì mà khán giả muốn biết và xin cảm ơn các khán thính giả đã theo dõi chương trình Người Bạn Bác Sĩ. Henry không biết nhiều về chương trình này. Nhưng Henry biết BS Lewis Hassell và Hassell có nói với Henry về chương trình này. Nên, Henry đã đồng ý tham gia. Cảm ơn chị và xin kính chào quý khán giả.
NBBS: Xin cảm ơn BS Minh rất nhiều. Tôi biết là BS Minh sau một ngày làm việc mệt nhọc mà còn bỏ thì giờ ra để đến nói chuyện với chúng ta. Nên tôi cũng muốn bắt đầu ngay vào cuộc phỏng vấn để bác sĩ có thì giờ để nghỉ ngơi. Thưa bác sĩ, trước tiên, có người cho rằng sức khỏe răng miệng thì phải bắt đầu từ thời thơ ấu. Vậy, bác sĩ có đồng ý với ý kiến này không? Và những điều gì quan trọng mà các bậc phụ huynh cần phải lưu ý để hướng dẫn con trẻ cách chăm sóc răng miệng tốt nhất?
BS Minh Phan: Như chị nói, chăm sóc sức khỏe răng miệng nên bắt đầu từ thời thơ ấu thì rất là đúng. Bởi vì theo kinh nghiệm của Henry, thấy nhiều người không lo cho con trẻ lúc thời thơ ấu thì sâu răng rất sớm, 4-6 tuổi là đã sâu răng. Điều quan trọng là mình phải hướng dẫn cho con cái và cả cha mẹ về vấn đề chăm sóc răng miệng. Từ trước lúc khi răng mọc ra thì đã bắt đầu biết cách rồi. Điều này rất quan trọng. Cha mẹ nên biết về cách giáo dục chăm sóc sức khoẻ răng miệng ngay cả trước khi có con.
NBBS: Như vậy là ngay cả khi lúc mang thai, người mẹ cũng phải chăm sóc răng miệng của mình?
BS Minh Phan: Ít nhất là mình phải biết lúc nào con mình có răng để biết chăm sóc làm sao. Nếu quên thì giai đoạn sau sẽ rất là khó khăn.
NBBS: Vậy thì khi nào cha mẹ nên bắt đầu dạy cho con cái việc đánh răng, thưa bác sĩ?
BS Minh Phan: Có nhiều giai đoạn. Lúc sinh ra và bắt đầu mọc răng khoảng 4-6 tháng tuổi, lúc đó cháu nó chưa biết gì, mình cũng phải tập cho cháu. Mình cầm bàn chải đánh răng thì khen cháu, “giỏi quá, giỏi quá.” Mặc dù, cháu chưa biết nói, nhưng điều đó sẽ vô tâm thức của trẻ. Nhưng đúng ra là dạy cho cháu biết đánh răng là lúc 2 tuổi. Từ 6 tháng đến 2 tuổi, cha mẹ đánh răng cho con. Từ 2 tuổi thì trẻ biết ý thức.
NBBS: Vậy, khi nào cần phải dẫn em bé đi khám răng lần đầu tiên, thưa bác sĩ? Và nếu mà lúc đó, tất cả đều tốt, thì bao nhiêu lâu nên trở lại tái khám vậy bác sĩ?
BS Minh Phan: Thường thường 1 tuổi là nên bắt đầu đi nha sĩ. Thứ nhất, cha mẹ phải đến nha sĩ để được hướng dẫn về cách chăm sóc răng cho con của mình. Lúc còn là răng sữa thì phải chăm sóc làm sao, đánh răng làm sao. Về dinh dưỡng, là ăn uống thứ gì? Ví dụ, cháu uống sữa mẹ hay là uống sữa bình. Những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến răng. Thành ra, việc đến nha sĩ lúc 5 tuổi là rất cần thiết để mình hiểu các hướng dẫn từ người nha sĩ cho con trẻ.
NBBS: Về mặt phòng ngừa, việc giúp tránh sâu răng cho răng sữa có quan trọng hay không? Và làm thế nào có thể thực hiện điều này tốt nhất? Việc bọc răng sữa thì khi cân nhắc giữa chi phí và lợi ích thì có đáng không bác sĩ?
BS Minh Phan: Nó cũng tùy vào giai đoạn của đứa trẻ. Việc phòng ngừa sẽ giảm thiểu sâu răng. Thì đương nhiên, phòng ngừa là điều quan trọng nhất. Nhưng mà nhiều đứa trẻ vẫn có sâu răng. Nếu mà sâu sớm thì mình còn trám được. Sâu mà nặng thì phải bọc. Về chuyện bọc, đến lúc mà nó cần phải bọc thì phải bọc thôi. Nhưng mà nó có nhiều giai đoạn. Ví dụ, cháu gần lớn tuổi rồi, cái răng cần bọc nó sâu nhiều quá thì nha sĩ phải trám, bọc hoặc phải nhổ ra thôi. Còn nếu mà nhỏ quá, mình cần phải bọc tại vì nó cần giữ khoảng trống để răng người lớn mọc ra. Nếu mình nhổ ra sớm mà không bọc thì mình sẽ mất khoảng trống đó, thì răng sẽ mọc lệch. Răng mọc lệch thì lúc đó lại khó chăm sóc là một chuyện. Thứ hai là chi phí việc niềng răng sau này sẽ đi theo, không tránh được
NBBS: Bác sĩ có thể nói về vai trò của fluoride trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho các em không? Mình có thể phải bổ sung fluoride vào kem đánh răng, nước uống, hay là nước súc miệng. Như vậy thì có giúp ích gì được không?
BS Minh Phan: Fluoride rất là quan trọng. Floride là thứ rẻ tiền nhưng quan trọng. Men răng được cấu tạo bởi cao calcium (can-xi) và phosphate (phốt phát). Khi mà đứa trẻ hay là người lớn ăn đồ ăn ngọt nhiều quá thì chuyển hóa của những chất này sẽ tạo thành axít. Vi khuẩn cũng tạo ra axít làm sâu răng. Sâu răng là do mấy chất axít nó tác dụng với calcium và phosphate trong răng, làm men mềm đi và bắt đầu quá trình sâu răng. Fluoride rất là quan trọng. Fluoride là ion tự do ở trong nước trong thiên nhiên, trong đồ ăn. Khi floride vô trong miệng thì nó sẽ kết hợp với phosphate và calcium, tạo thành fluoride peptide sẽ làm răng cứng hơn và không bị sâu. Nếu mình ở xứ này, trong nước có fluoride như vậy là đủ rồi. Trừ khi mình uống nước đóng chai mà không có floride thì mình phải cần bổ sung floride. Các nhà thuốc đều bán sản phẩm bổ sung flouride. Mình chỉ nhỏ vào ly nước, bình nước một vài giọt là có đủ fluoride cho mình. Fluoride rất là quan trọng, nên có.
NBBS: Tôi nghe nói bên Mỹ, người ta có bỏ fluoride vào trong nước vòi. Bác sĩ có biết gì về bên Việt Nam không ạ?
BS Minh Phan: Henry không biết gì về bên Việt Nam. Không biết việc chăm sóc y tế về nha khoa ở Việt Nam ra sao.
NBBS: Răng vĩnh viễn mọc rồi, đôi khi, nó mọc lệch. Như hồi nãy bác sĩ nói, nếu như có lỗ trống nhiều thì răng sẽ mọc lệch. Thế thì tại sao các bậc cha mẹ nên quan tâm đến nắn chỉnh răng cho các bé? Và nếu mà không làm điều này, thì có hại gì cho các em không, bác sĩ? Và bao giờ là quá muộn để mà chỉnh răng?
BS Minh Phan: Răng mọc lệch thì nên niềng răng nếu mà muốn. Điều này thì không bắt buộc, nhưng mà mình nên làm. Tại vì răng mọc lệch, mình làm cho nó thẳng thì nó sẽ thẳng cả đời. Thứ hai là răng mọc thẳng nó cũng quan trọng với sức khỏe của mình. Mình ăn uống nó không bị dính đồ ăn và cảm thấy ngon lành. Mình cười thấy đẹp. Điều này rất tốt cho bản thân. Thành ra, việc niềng răng là cái việc quan trọng nếu mà có khả năng. Nhiều người muốn niềng răng mà không được, tại vì nó tốn kém. Và về độ tuổi để niềng răng, xưa là thiếu niên hay thanh niên. Nhưng mà bây giờ nó cũng khác rồi. Việc niềng răng không cần độ tuổi nữa. Nhiều người về hưu rồi, 70 tuổi, mà bây giờ muốn răng đẹp thì đến niềng răng, vẫn làm được. Chỉ có điều, niềng răng lúc tuổi già thì lúc đó xương không bồi đắp, thì mình phải đeo retainer cho nó kỹ. Vì có thể bị tái phát và méo lại. Nhưng mà khi người ta làm đẹp, họ thường có ý thức cao. Thiếu niên thì thường không ý thức chuyện đó. Mình đã chỉnh răng cho nó đẹp rồi, 3-4 tháng sau, bệnh nhân tới tái khám thì nghiêng lại. Mình hỏi có đeo retainer không thì cháu trả lời, “dạ, không” thì cũng vậy thôi. Niềng răng là mọi lứa tuổi và có thể sớm nhất là 7-8 tuổi. Có người 80 tuổi vẫn làm.
NBBS: Xin bác sĩ giải thích một tí về retainer . Đó là cái gì vậy bác sĩ?
BS Minh Phan: Retainer là cái sau khi mình niềng răng xong mình phải đeo để giữ cho răng ngay tại vị trí của cuối cùng sau niềng răng xong để nó không có chạy.
NBBS: Mình có phải đeo lâu không, thưa bác sĩ?
BS Minh Phan: Năm đầu thì mình nên đeo hằng ngày. Năm thứ hai – thứ ba, mình có thể đeo ít hơn, như hai ngày đeo một lần, khi đó nó ổn định rồi. Mình đeo như vậy thì xương nó mọc chung quanh cái răng, nó giữ răng tại vị trí đó. Nhưng mà xương cũng cần thời gian mọc, khoảng 1-2 năm chờ nó chắc. Nhưng mà, càng đeo càng nhiều thì càng tốt.
NBBS: Đeo thì có đau không bác sĩ?
BS Minh Phan: Dạ, không.
NBBS: Ngoài các dụng cụ nắn chỉnh răng truyền thống để di chuyển răng về vị trí tốt hơn, thì hiện nay có một số quảng cáo về các phương pháp khác để cải thiện sự sắp xếp của răng. Những phương pháp mới này có hiệu quả hay không, thưa bác sĩ? Và liệu nó có tốt hơn những phương pháp truyền thống hay không?
BS Minh Phan: Phương pháp truyền thống là dán rack (giá đỡ) lên răng và gắn dây vô và kéo răng thẳng ra. Sau này, cách đây cũng lâu chứ cũng không phải mới, cũng 20-30 năm rồi xuất hiện invisalign. Invisalign là người ta lấy ni, làm clear mold (khuôn trong suốt) để đeo vô. Sau đó, invisalign mỗi hai tuần thay một cái hay là một tháng thay một cái thì nó làm thẳng ra từ từ. Cái loại đó nó cũng đắt tiền nhưng mà nó lâu hơn. Nhưng phương pháp truyền thống thì những trường hợp nặng thì sẽ chỉnh răng nhanh hơn. Tại vì dùng sức kéo của dây thun, nên nó nhanh hơn.
NBBS: Nãy giờ, mình nói về răng vĩnh viễn. Bây giờ, mình nói về chuyện răng khôn. Khi mà răng khôn mọc, đôi khi bác sĩ nha khoa khuyên là cần phải mổ để tránh ảnh hưởng đến các răng bên cạnh. Nhưng mà có nhiều trường hợp, răng khôn không thành vấn đề. Tại vì nó không bao giờ mọc ra. Như vậy, có cách nào để mà mình đoán trước việc răng khôn mọc lệch hay không? Và để nó có thể trở thành một vấn đề cấp tính trong tương lai hay không? Khi nào thì cha mẹ hay các em thanh thiếu niên nên nghĩ về vấn đề này? và họ nên quyết định ra làm sao?
BS Minh Phan: Răng khôn thì cũng nhiều chuyện lắm. Răng khôn thì thật ra nó là răng dại chứ nó không có khôn. Người ta gọi là cái lỗi của Thượng đế, khi tạo con người mà tạo răng khôn. Răng khôn gây ra rất nhiều vấn đề. Một cách để chẩn đoán đó là mình phải chụp X-ray (X-quang) đúng độ tuổi của nó, khoảng 14-15 tuổi là đã thấy mầm răng khôn trong miệng. Vài năm sau đó, mỗi năm sau đó nên check (kiểm tra) một lần để kiểm tra hướng đi của răng khôn. Có những răng khôn bị chẹn, có nghiã là nó là nằm luôn trong xương mà nó quay hướng bất kỳ hướng nào. Nhiều khi nó quay ngược ra đằng trước thì nó ảnh hưởng đến răng đằng trước. Nếu nó mọc ra một nữa thì nó bắt đầu gây đau, sưng nướu. Có nhiều cái nó chôn trong xương luôn. Thì cái đó có thể là không nhổ ra cũng được. Nhưng mà nó vẫn tạo cái áp suất trong xương của mình. Nó gây nhiều chuyện khác, như nhức đầu, ăn không ngon. Theo Henry thì răng khôn nên nhổ ra, cho dù nó kẹt cách nào thì nếu mà những người nha sĩ như Henry, nha sĩ tổng quát, không nhổ được thì phải đến bác sĩ phẫu thuật miệng, thì người ta sẽ nhổ được. Nhổ ra, cái miệng rất là khỏe. Mặc dù có những người răng khôn mọc lệch hết rồi, thẳng hết rồi. Họ cũng nên nhổ ra. Tại vì mình không thể chăm sóc cái răng khôn phía sau được. Nhổ ra, mình sẽ thấy miệng mình trống trải, thoải mái hơn. Thành ra, Henry khuyên, ai có răng khôn hay cha mẹ có răng khôn, và 16- 18 tuổi thì nên đi nhổ.
NBBS: Còn những điều khuyên bảo nào mà bác sĩ muốn gửi đến cho quý khán giả của Podcast Người bạn bác sĩ để chăm sóc sức khoẻ răng miệng cho trẻ em không?
BS Minh Phan: Các bạn nên đi nha sĩ định kỳ. Tuổi nhỏ, cho dù mình vẫn khuyến khích đánh răng, dạy đánh răng, nhưng mà một phần lớn cái tuổi nhỏ là ăn uống không kỹ càng và đánh răng không kỹ càng. Nhiều khi sâu mà không nói cho cha mẹ. Đến khi đau rồi mới nói cho cha mẹ thì cũng trễ rồi. Đến lúc đó, phải lấy tủy răng và phải bọc răng. Thành ra, cha mẹ nên đem cháu đi nha sĩ. Nếu tuổi còn nhỏ từ 1-5 tuổi, một năm một lần cũng được. Sau đó, nên sáu tháng. Tại vì các cháu thường không đánh răng kỹ đâu. Tới nha sĩ người ta phải clean (làm sạch) và lấy vôi răng. Lúc đó thì mình hướng dẫn cho cha mẹ là một, hướng dẫn cho cháu là hai. Và mình vẫn nên khích lệ các cháu răng tốt thì nó sẽ thích đi nha sĩ, như “răng con đẹp lắm, lần sau bác sĩ sẽ kiểm tra lại nha.” Như vậy, các cháu vui vẻ và cũng muốn đi nha sĩ. Chuyện đó để đảm bảo hàm răng nó được tốt và sạch sẽ cho tới khi nó trưởng thành, nó ý thức được chuyện đó và phải đánh răng hằng ngày.
NBBS: Xin cảm ơn BS Minh rất nhiều đã đến đây để tham gia vào Podcast Người Bạn Bác Sĩ. Bác sĩ quả thật là một người bạn bác sĩ của chúng tôi và của quý thính giả. Xin bác sĩ gửi lời chào tạm biệt đến quý thính giả.
BS Minh Phan: Trước hết, xin cảm ơn BS Mai Anh Đoàn đã cho buổi phỏng vấn hôm nay và cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình này. Hy vọng là quý thính giả qua chương trình này sẽ có ý thức nhiều hơn về chăm sóc răng miệng cho con em của mình có được hàm răng thật tốt, thật đẹp. Henry cảm ơn và xin kính chào quý vị.
NBBS: Xin cảm ơn BS Minh Phan. Bác sĩ còn hẹn với chúng ta một lần nữa để nói về việc chăm sóc sức khỏe răng miệng người lớn. Từ giờ đến khi chúng ta gặp lại nhau trong Podcast sau, xin quý vị hãy cùng nhau có những lựa chọn tốt để sức khỏe chúng ta mãi luôn dồi dào. Xin cảm ơn tất cả quý vi.