Người bạn bác sĩ

NBBS Số 14 – Phỏng Vấn về Bệnh Đái Tháo Đường

NBBS: Chào mừng các bạn đến với podcast Người Bạn Bác Sĩ. Chuyên đề ngày hôm nay chúng ta sẽ thảo luận là bệnh đái tháo đường với Bác sĩ Phạm Ngọc Trung. Bác sĩ Phạm Ngọc Trung hiện là giảng viên và bác sĩ chuyên về nội khoa tại Đại học Missouri thuộc tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ. Xin chào Bác sĩ Trung và cảm ơn Bác sĩ Trung đã đến buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Xin Bác sĩ Trung gửi lời chào đến quý khán giả.

BS Ngọc Trung: Cảm ơn Bác sĩ Ngọc. Thành thực mà nói thì rất là vui vi được tham gia chương trình này, đặc biệt là chủ đề đái tháo đường. Để mà nói về đái tháo đường thì không biết nói bao giờ cho hết, tại vì một cái bệnh quá kinh điển nhưng mà lại gây ra rất nhiều gánh nặng cho y tế và sức khoẻ nói chung.

NNBS: Xin cảm ơn Bác sĩ Trung. Như vậy chúng ta có thể đi vào câu hỏi đầu tiên. Mình cũng thấy là xung quanh chúng ta có nhiều người thân và bạn bè bị mắc bệnh này. Căn bệnh này rất là phổ biến. Có những bệnh nhân mắc bệnh khi còn rất trẻ. Trong khi một số bệnh nhân khác mắc bệnh khi khá là lớn tuổi. Như vậy xin Bác sĩ Trung cho quý khán giả biết thêm về căn bệnh này được không ạ?

BS Ngọc Trung: Cảm ơn Bác sĩ Ngọc. Khi nói về căn bệnh đái tháo đường, bản thân mình không biết tỷ lệ mắc bệnh ở người Việt Nam. Số liệu ở Mỹ thì khoảng đến 8 đến 9% dân số mắc bệnh tiểu đường. Điều đó nghĩa là 1/12, hay 12 người mình gặp trên đường có thể có một người mắc tiểu đường. Nhưng nói 1/12 thì con số đó có vẻ cao. Thật sự mà nói thì không có vấn đề gì nhiều lắm. Nếu như mình tính thêm trong số những người có tiểu đường có biến chứng tiểu đường thì tỉ lệ rất là cao. Ví dụ, mình hay nghe đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy giảm chức năng thận và nhiễm trùng. Mình sẽ nhắc đến biến chứng ở phần sau.

Gánh nặng của tiểu đường bởi các biến chứng của nó thì cực kỳ lớn. Nhiều người nói chỉ có 1/12 số người trong dân số mắc bệnh tiểu đường, thì thật ra con số đó có thể là mọi người đánh giá thấp biến chứng của tiểu đường. Quay lại câu hỏi của Bác sĩ Ngọc, có những người mắc bệnh từ rất sớm, có những người mắc bệnh khoảng chừng 40 đến 50 tuổi. Tiểu đường ngày xưa thì người ta chia ra hai nhóm. Một nhóm là người trẻ hay mình còn nói là tuýp 1, phụ thuộc insulin, chiếm khoảng từ 8 đến 10% những người bị tiểu đường. Còn 90% còn lại là những người bị tiểu đường tuýp 2, kém dung nạp Insulin. Đa số là những người lớn tuổi. Thẳng thắng mà nói, nhóm bệnh này xuất hiện ở những người trẻ hơn. Ngày xưa khoảng chừng 40 đến 50 tuổi. Có thể nói lối sống công nghiệp bao gồm tăng huyết áp, béo phì, chế độ ăn.

NBBS: Dạ cảm ơn Bác sĩ Trung. Câu hỏi tiếp theo là Bác sĩ Trung có thể cho biết về các triệu chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường và nhóm bệnh nhân nào có nguy cơ bị bệnh này?

BS Ngọc Trung: Nói về triệu chứng tiểu đường, cái khổ của tiểu đường thì hầu hết những người bị tiểu đường trong giai đoạn đầu tiên khoảng 9 tới 10 năm đầu, người ta không có triệu chứng gì hết. Cái đó là mối nguy hiểm của tiểu đường. Thời gian đầu, mình không có triệu chứng gì hết. Có những người lần đầu tiên đi khám bệnh vì triệu chứng về biến chứng của tiểu đường nhiều hơn. Nếu mà nói kỹ hơn một chút về những triệu chứng, mà chưa phải là biến chứng, mình thường gặp là khát nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều (Tuýp 1 thường gặp), ăn nhiều (tức là ăn nhiều mà vẫn sụt cân), hạ huyết áp (bởi vì người ta mất nước nhiều quá cho tiểu đường), hồi hộp tim đập nhanh, hoặc là choáng váng chóng mặt. Đó là những triệu chứng cơ bản nhất của tiểu đường.

NBBS: Dạ, cảm ơn bác sĩ Trung. Những nhóm bệnh nhân nào có nguy cơ bị bệnh này?

BS Ngọc Trung: Buổi nói chuyện này, mình tập trung vào những bệnh nhân tuýp 2. Tuýp 1 thì do có tiền căn gia đình bị tiểu đường , đặc biệt là tiểu đường tuýp 1. Nhóm tuýp 2 thì thường vẫn là do tiền căn gia đình. Gia đình có tiền căn tiểu đường, thì những người trong cùng gia đình sẽ có khả năng bị tiểu đường. Thứ hai là béo phì do lối sống công nghiệp, ăn uống, thiếu vận động. Mình thấy người ta bị béo phì ngày càng nhiều. Nhóm đó có khả năng bị tiểu đường nhiều hơn. Thứ ba là chế độ ăn, ví dụ ăn nhiều mỡ, tinh bột, thức ăn công nghiệp.

NBBS: Cảm ơn Bác sĩ Trung. Hiện nay để xác định hay tầm soát bệnh này thì có những phương pháp nào? Và các ngưỡng bình thường của phương pháp đó, bác sĩ có thể cho quý khán giả biết được không ạ?

BS Ngọc Trung: Để chẩn đoán hay để tầm soát thì mình có 3 phương pháp. Trong đó, có 2 phương pháp người ta sử dụng nhiều nhất. Phương pháp thứ nhất là đo nồng độ đường trong huyết tương lúc đói. Phương pháp thứ 2 là đo HbA1c. Phương pháp thứ 3,  rất ít sử dụng, là nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Chủ yếu dùng trong nghiên cứu hoặc là đối với đái tháo đường ở những người có thai. Dân số bình thường nói chung thì mình thường dùng cả 2.

Một là đo đường huyết lúc đói mà mọi người hay biết là đường huyết đầu ngón tay đó. Hoặc là đo HbA1c, nói ngắn gọn là A1c.

Mỗi phương pháp đều có yếu tố tốt hoặc là không tốt. Ví dụ như phương pháp đo đường huyết lúc đói, ngưỡng bình thường khoảng 126. Nếu dưới 126 là bình thường. Nếu trên 126 mg% là bất thường, hay là có tiểu đường. Nhưng thông thường, mình phải đo hai lần. Đo vào ngày hôm nay, rồi bảy ngày sau đo lại để chẩn đoán tiểu đường. Phương pháp thứ hai là đo A1c. Ngưỡng bình thường là 6.5%. Dưới 6.5 thì coi như bình thường. Mình sẽ nói đến tiền tiểu đường sau. Trên 6.5 là có tiểu đường. Một lần nữa, các phương pháp này mình đều phải kiểm chứng lại bằng cách đo lại chỉ số này lần thứ hai. Đường huyết lúc đói thì phụ thuộc rất nhiều vào thời gian mình test. Tốt nhất là phải test ít nhất 8 tiếng sau bữa ăn cuối cùng để có kết quả chính xác. Người ta sẽ dặn bệnh nhân nhịn ăn và nhịn uống nước đường 8 tiếng trước khi mình test, như vậy mình sẽ có kết quả chính xác hơn. Tóm lại, đường huyết lúc đói trên 126, hoặc là A1c trên 6.5 là coi như mình chẩn đoán tiểu đường.

NBBS: Nếu mà đường huyết khi đói là 200, có nghĩa là đã trên 126, thì nó sẽ ảnh hưởng lâu dài như thế nào lên cơ thể của người bệnh? Xin Bác sĩ Trung cho quý khán giả biết các biến chứng hay gặp của bệnh nhân đái tháo đường?

BS Ngọc Trung: Đường huyết khi đói là 200 thì coi như người đó có tiểu đường rồi. Biến chứng của tiểu đường chia làm hai nhóm chính, biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Biến chứng mạch máu lớn ví dụ như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, hoặc bệnh lý mạch máu ngoại biên. Biến chứng mạch máu nhỏ ví dụ như biến chứng thận và biến chứng vi mạch ngoại biên. Ngoại trừ các biến chứng đó thì còn nhiễm trùng. Nói chung, bệnh tiểu đường gây biến chứng trên toàn bộ cơ thể, nên hầu hết không có chừa cơ quan nào. Cơ quan nào có mạch máu là cơ quan đó sẽ bị ảnh hưởng.

NBBS: Dạ cảm ơn bác sĩ. Thực sự là nếu mà cơ quan nào có mạch máu thì cơ quan đó sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy, bệnh này rất là nghiêm trọng, phải không bác sĩ?

BS Ngọc Trung: Đúng rồi. Nó lại tiềm ẩn trong một thời gian rất dài mà mình không biết, cho nên thì mình phải tầm soát và điều trị cho đúng cách.

NBBS: Như vậy thì mình mới thấy là bệnh thì không có triệu chứng sớm. Cho nên phát hiện sớm cũng rất khó. Mình sẽ thấy quy tắc quan trọng trong điều trị bệnh này là theo dõi và kiểm soát tốt đường huyết. Nếu bị đái tháo đường thì liệu bệnh nhân có cách nào để theo dõi đường huyết của mình mỗi ngày không?

BS Ngọc Trung: Có. Tùy vào mức độ của bệnh và tùy vào về khả năng kiểm soát bệnh, người ta sẽ đo đường huyết đầu ngón tay. Người ta có thể đo rất nhiều lần trong ngày. Con số mà người ta tính được từ đường huyết ngón tay thì cũng khá chính xác. Máy đo đường huyết cá nhân được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận và khuyến cáo là mình nên dùng. Mình phải đo bao nhiêu lần trong ngày? Một lần nữa, nó phụ thuộc phụ thuộc vào khả năng kiểm soát đường huyết của người đó. Ví dụ, người đó không thể không thể kiểm soát được đường huyết thì mình nên kiểm tra đường huyết nhiều lần trong ngày để xem lúc nào đường huyết của người ta lên cao, lúc nào đường huyết người ta xuống thấp và nó phụ thuộc vào bữa ăn như thế nào. Còn đối về việc người này kiểm soát được đường huyết rất là chặt chẽ trong một thời gian dài thì không cần phải đo mỗi ngày. Với cách này bệnh nhân người ta tự đo. Cái thứ hai là khi mà người ta đi khám bác sĩ. Quay lại hai cái phương pháp mà người ta chẩn đoán. Một là đường huyết đầu ngón tay, hai là đo chỉ số A1c. Thông thường ở các phòng khám, người ta thường đo chỉ số A1c, bởi vì chỉ số đó người ta theo dõi được đường huyết trung bình trong ba tháng. Một chỉ số mà mình biết được là tình trạng đường huyết của người đó trong ba tháng vừa rồi như thế nào.

NBBS: Cảm ơn bác sĩ Trung. Vậy thì bao lâu bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để theo dõi diễn tiến bệnh?

BS Ngọc Trung: Câu hỏi bao lâu một phần nó phụ thuộc vô khả năng người đó kiểm soát được bệnh như thế nào. Ví dụ, những người mới chẩn đoán bị tiểu đường nhưng kiểm soát được chỉ số A1c từ 7-9 thì người ta tái khám khoảng 3 tháng để cho đến khi người ta kiểm soát được.

Nếu mà chỉ số A1c >9 và người ta phải xài insulin thì phải tái khám gần hơn, ví dụ như mỗi hai tuần, mỗi tháng cho đến khi mà đường huyết kiểm soát được. Cũng cần phải lưu ý, cho dù ở đây mình nói là tái khám hai tuần hay một tháng, ba tháng, vai trò chính để kiểm soát đường huyết vẫn là của bệnh nhân. Bệnh nhân vẫn phải đo đường huyết mỗi ngày. Nếu mà chỉ số đường huyết của người ta vẫn còn cao. Còn lại đối với những người kiểm soát đường huyết tốt, A1c <7  trong một thời gian dài thì có thể tái khám khoảng sáu tháng. Nhưng ít nhất là phải tái khám mỗi năm, bởi vì có nhiều cái mình phải tầm soát biến chứng của tiểu đường.

NBBS: Cảm ơn Bác sĩ Trung. Bác sĩ có thể cho quý khán giả biết về các phương pháp điều trị đang có hiện nay để giúp bệnh nhân kiểm soát tốt mức đường huyết?

BS Ngọc Trung: Khi mà nói về cách điều trị của tiểu đường, mọi người hay nói về thuốc. Nhưng mà thật ra mà nói, 80-90 % là làm sao kiểm soát được chế độ ăn và vận động nhiều hơn. Đó là đang nói đến tiểu đường tuýp 2. Mình phải tập trung vào chế độ ăn và lối sống. Ngoại trừ cái đó ra, khi mà nói đến thuốc, hiện tại mình đã có rất là nhiều loại thuốc, thuốc uống, thuốc tiêm, hay insulin. Những thuốc cổ điển bây giờ người ta ít dùng hơn. Trong nhóm thuốc cổ điển, metformin hiện tại bây giờ vẫn còn xài, thật ra mà nói rất hiệu quả. Ngoài ra thì còn rất là nhiều loại thuốc mới hiện nay và rất hiệu quả đối với tiểu đường, kể cả là dành cho những người béo phì. Ngoài ra đó thì đối với những trường hợp không kiểm soát được đường huyết thì người ta sẽ bắt đầu sử dụng insulin. Insulin thì có hai loại insulin, loại tác dụng kéo dài và loại tác dụng ngắn. Tùy vào tình trạng kiểm soát tiểu đường, người ta có thể dùng tác dụng kéo dài hoặc là sử dụng phối hợp tác dụng kéo dài với tác dụng ngắn. Nói tóm lại, 80-90 % vẫn là kiểm soát được chế độ ăn và tập thể dục, đo đường huyết mỗi ngày và sử dụng các thuốc hạ đường huyết để phối hợp với chế độ ăn.

NBBS: Cảm ơn Bác sĩ Trung. Vậy thì đối với bệnh nhân bị đái tháo đường thì Bác sĩ Trung có thể cho lời khuyên về cách thay đổi trong chế độ ăn để bệnh nhân có mức đường huyết kiểm soát một cách tốt nhất?

BS Ngọc Trung: Như vậy thì cái quan trọng nhất là mình phải kiểm soát chế độ ăn. Mình đang nói về đái tháo đường tuýp 2, đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Quan trọng nhất là mình chia khẩu phần ra nhiều bữa và tránh ăn một lượng đường cao trong một bữa. Người Việt Nam mình hay người châu Á hay ăn gạo trắng, bánh mì chứa hàm lượng đường rất là cao. Mình nên tránh những cái đó. Mình nên giảm lượng tinh bột lại.

Ngoài ra, những cái hay gặp, mà ở Việt Nam mình thì chắc là ít thôi, nhưng bên đây ví dụ như là Coca, nước có ga, hay là những cái loại nước trái cây mà đóng hộp có hàm lượng đường rất cao. Ở Việt Nam mình thì hay gặp nhiều người hay ăn hoa quả sấy khô, hay mức có hàm lượng đường rất cao. Những thức ăn đó sẽ không có tốt cho những người bị tiểu đường.

Có nhiều người hỏi như vậy thì nhóm tinh bột nào thì tốt cho những người tiểu đường? Những nhóm ngũ cốc nguyên hạt, nhóm đậu, hoặc nhóm gạo còn vỏ cám thì sẽ tốt hơn với những người tiểu đường. Vì những nhóm đó sẽ hấp thụ chậm hơn. Trái cây hoặc là rau quả rất là tốt cho người tiểu đường. Nhưng các bạn phải để ý là những nhóm trái cây chín như là sầu riêng, hồng, xoài chín thì hàm lượng đường rất là cao. Cho nên những nhóm đó không tốt cho người tiểu đường

NBBS: Cảm ơn Bác sĩ Trung. Bác sĩ có thể cho quý khán giả biết nguy cơ và tác dụng phụ khi sử dụng các loại thuốc điều trị mà bác sĩ kể ở trên và tác dụng phụ thường gặp có phải là hạ đường huyết không ạ? Và có thể cho quý khán giả biết các triệu chứng để có thể nhận biết và phòng ngừa tránh tác dụng phụ do hạ đường huyết này?

BS Ngọc Trung: Đúng rồi. Đặc biệt là những người dùng các thuốc thế hệ cũ. Đó là các thuốc có góc sulfonylrurea, hay là mọi người hay biết là Glipizide. Nhóm đó rất là dễ gây hạ đường huyết. Đó là về thuốc uống. Về thuốc chích ví dụ như insulin. Insulin có hai dạng. Một là dạng tác dụng kéo dài, thường ít gây hạ đường huyết hơn và thuốc dạng tác dụng ngắn mà người ta hay dùng trước bữa ăn. Nhóm đó sẽ là nhóm có tác dụng chính gây hạ đường huyết.

Những triệu chứng của hạ đường huyết như là người bệnh cảm thấy hoa mắt, đổ mồ hôi, lo lắng, hồi hộp, tim đập nhanh. Đặc biệt là sau khi chích insulin. Nhiều người gặp triệu chứng đó lúc đang ngủ. Đặc biệt, những người đó người ta cảm thấy triệu chứng cải thiện khi mà người ta uống nước đường, ăn kẹo. Một điều hay gặp là có nhiều người bị tiểu đường lâu và người ta không kiểm soát được đường huyết. Thông thường đường huyết bình thường khoảng chừng 300-400. Bây giờ người ta kiểm soát tốt hơn, ngưỡng đường huyết bình thường của người ta là 150-200. Cho dù đường huyết đó bình thường nhưng người ta cũng cảm thấy triệu chứng như vừa mới kể trên, như hoa mắt, đổ mồ hôi, hồi hộp, lo lắng. Nhưng không nhất thiết đó là triệu chứng mình phải giảm liều điều trị. Cho nên một cách dễ nhận biết nhất là khi người ta có triệu chứng đó, người ta nên kiểm tra đường huyết đầu ngón tay để xem coi đường huyết của người ta là bao nhiêu. Ví dụ như trường hợp dưới 70 thì phải báo cho bác sĩ biết để điều chỉnh lại liều điều trị.

NBBS: Cảm ơn Bác sĩ Trung đã cho quý khán giả biết những cái triệu chứng của hạ đường huyết. Thực sự, bệnh nhân bị tiểu đường nên nắm những triệu chứng này tại vì nó rất là nguy hiểm. Hạ đường huyết là một tác dụng phụ rất là nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Như vậy là chúng ta đã thảo luận gần như các câu hỏi về bệnh đái tháo đường. Có một trường hợp là những những người đi tầm soát sức khỏe thường quy, họ có chẩn đoán là rối loạn dung nạp glucose. Điều đó có nghĩa là đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ lượng để chẩn đoán bệnh này. Bác sĩ Trung có thể cho quý khán giả biết làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ rối loạn dung nạp glucose tiến triển thành bệnh đái tháo đường thật sự?

BS Ngọc Trung: Những trường hợp này rất nhiều. Để mà chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose thì có hai cách. Một là đường huyết đầu ngón tay. Hai là chỉ số A1c. Nếu như đường huyết lúc đói mà >100 và <126 thì coi như rối loạn dung nạp Glucose. Hoặc là A1c> 5.7 thì coi như là tiền tiểu đường. Những trường hợp này mình coi như là có vấn đề, người ta có thể điều trị hoặc không điều trị. Những người có nguy cơ cao như béo phì thì người ta nên điều trị, bắt đầu thuốc uống hạ đường huyết. Nhưng mà một lần nữa, phần chế độ ăn tập, thể dục vẫn là cái phần quan trọng nhất của điều trị tiểu đường. Các bạn phải chú ý đến chế độ ăn, phải chú ý đến tập thể dục. Quan trọng nhất nữa là các bạn phải điều chỉnh lại các yếu tố nguy cơ. Bệnh tiểu đường nằm trong một bệnh lý chuyển hóa nói chung. Cho nên nếu như có tăng huyết áp, nếu như có rối loạn mỡ máu thì mình đã điều trị những vấn đề đó. Cái thứ hai, ví dụ như những cái yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, mình phải ngưng hoặc là giảm hút thuốc lá. Cái điều quan trọng tiếp theo là phải tái khám định kỳ như là mở ít nhất là mỗi năm theo chợ nhắn tiến triển của tiểu đường

NBBS: Cảm ơn bác sĩ Trung. Như vậy là chúng ta đã thảo luận xong về bệnh đái tháo đường. Cảm ơn Bác sĩ để tham gia chương trình này với podcast người bạn bác sĩ. Xin bác sĩ nói lời chào tạm biệt với quý khán giả.

BS Ngọc Trung: Cám ở Bác sĩ Ngọc và chương trình đã tạo điều kiện có podcast mà bản thân mình thấy rất là thích và quan trọng với mọi người. Trung hay nói đùa với mọi người là nếu mình có thể xóa sổ tiểu đường thì dường như không có ai phải đến bệnh viện nữa hết. Xin cảm ơn chương trình một lần nữa, chúc chương trình còn nhiều chủ đề rất là hay và chuẩn bị khách mời rất là giỏi và sẽ đem được đến rất là nhiều nhiều thông tin bổ ích cho người dân. Cảm ơn Bác sĩ Ngọc.

Tìm kiếm

Đăng ký nhận tin

Chia sẻ

Các tập mới sẽ luôn được cập nhật thường xuyên

Đăng ký nhận tập mới nhất của Người Bạn Bác Sĩ ngay. Chúng tôi sẽ luôn gửi mail trước cho bạn khi có tập mới. Bạn có thể hủy chức năng này bất cứ khi nào.