Phỏng Vấn Bệnh Nhân Ung Thư Vú
Là một người phụ nữ sẽ ra sao khi biết mình mắc bệnh ung thư vú?
Làm thế nào phát hiện, chuẩn đoán và điều trị căn bệnh này.
Ngày hôm nay Người Bạn Bác Sĩ có mời chị Trúc là một bệnh nhân mắc bệnh Ung Thư Vú chia sẻ về quá trình chị Trúc đã trải qua từ khi phát hiện bện đến khi điều trị. Xin mời quý thính giả cùng nhau lắng nghe podcast.
NBBS: Chào mừng các bạn đến với Podcast Người Bạn Bác Sĩ (NBBS). Trong podcast ngày hôm nay chúng ta sẽ phỏng vấn một bệnh nhân với bệnh ung thư vú. Để giúp các bạn có thể hiểu được phần phỏng vấn tốt hơn, chúng tôi sẽ trình bày một số thuật ngữ tiếng Anh mà các bạn có thể nghe trong phần phỏng vấn.
Từ Core Biopsy có nghĩa là sinh thiết lõi kim.
Từ FNA viết tắt của từ Fine Needle Aspiration có nghĩa là chọc hút bằng kim nhỏ. Hay là từ Herceptin, đó là tên của một loại thuốc để điều trị những ca ung thư vú mà dương tính với thụ thể HER2 hay là khuếch đại thụ thể HER2.
Triple – Positive có nghĩa là ung thư vú dương tính với cả 3 thụ thể, đó là thụ thể HER2, ER, và PR. Và cuối cùng là Gen BRCA1, BRCA2, hay tiếng Việt gọi là BRCA1 và BRCA2.
NBBS: Mình là Bác sĩ Ngọc Trần. Hôm nay mình hân hạnh được nói chuyện với chị Trúc. Đầu tiên chị Trúc có thể giới thiệu về bản thân mình được không ạ?
Chị Trúc: Dạ, em chào chị Ngọc Trần và các bạn đang lắng nghe. Em tên là Triệu Thị Thanh Trúc là một bệnh nhân ung thư vú. Em phát hiện mình có ung thư vú vào năm 28 tuổi.
NBBS: Vậy thì bây giờ đã được mấy năm rồi Trúc?
Chị Trúc: Em phát hiện vào tháng 11 năm 2018, thì bây giờ là được tầm hơn ba năm ạ.
NBBS: Cảm ơn Trúc! Vậy Trúc phát hiện mình bị ung thư vú trong hoàn cảnh như thế nào?
Chị Trúc: Trong một buổi sáng, lúc đó em chỉ thức dậy và em đi súc miệng. Thì lúc mà em nhìn trong gương tự nhiên em vô tình em thấy một bên ngực, ngực bên trái của mình nó to hơn bên phải. Lúc đó em chỉ nghĩ là ồ chắc trước giờ mình không để ý, chắc là hai bên nó không cân xứng với nhau. Em muốn kiểm tra thử thì mới ấn rất là sâu vào phía trong thì vô tình em thấy một khối. Lúc đó em nghĩ là thôi chắc là mình nên đi kiểm tra đi, trong trường hợp xui có bệnh gì.
NBBS: Rồi Trúc có thể kể lại toàn bộ hành trình từ chẩn đoán cho đến điều trị căn bệnh của mình được không?
Chị Trúc: Lúc mà em phát hiện ra khối u đó, em cũng nghĩ có thể đó chỉ là một cái nang chứ không phải là ung thư. Nhưng mà lúc đó trong gia đình em, cách đây vài năm thì có dì em bị ung thư vú. Em nghĩ rằng em nên đi kiểm tra, lúc đó em mới đi kiểm tra ở bệnh viện. Lúc đầu bác sĩ khuyên em là nên đi làm siêu âm trước. Lúc mà siêu âm ra thì thấy khối u nó khá to, em có cả bên phải và bên trái. Nhưng mà bên trái nó rất là to. Cho nên bác sĩ mới quyết định làm FNA (Fine Needle Aspiration test). Thì lúc mà kết quả ra thì bác sĩ nói là kết quả không có bình thường. Cho nên bác sĩ lại gửi em qua một bệnh viện khác, để làm Core Biopsy. Lúc mà ra kết quả Core Biobsy rồi thì mới chắc chắn là em bị ung thư ở giai đoạn 2B, thể là thể Triple possitive vì u dương tính với cả 3 thụ thể là ER, PR, và HER2.
NBBS: Nhưng mà Trúc có nhớ là ung thư loại gì hay không: tuyến ống hay là tiểu thùy?
Chị Trúc: Dạ tuyến ống ạ!
NBBS: Thì tâm trạng của Trúc như thế nào khi biết là mình bị bệnh ung thư như vậy, và làm sao mà Trúc có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn đó?
Chị Trúc: Thì lúc mà vừa siêu âm phát hiện thấy khối u đó, bác sĩ làm FNA cho em nói phải đợi 1 ngày thì mới có kết quả. Lúc đó em chỉ biết đợi. Vì em cũng là dược sĩ nên em đã suy nghĩ đến tình huống tệ nhất, xong rồi về nhà em tìm kiếm thêm thông tin. Em đã nghĩ là thôi bây giờ cứ chuẩn bị tinh thần trước, trong trường hợp tệ nhất là em bị ung thư vú. Cho nên em đỡ thấy sợ hơn. Cho nên lúc ra kết quả FNA nói là bây giờ đã thấy bất thường rồi và phải làm thêm Core Biopsy thì phải đợi thêm 3,4 ngày nữa. Lúc đó em lại có thời gian đọc thêm, sâu thêm về cách chữa trị ung thư vú. Lúc mà biết kết quả xác định là em bị ung thư, thì lúc đó em cũng không bị sốc về tinh thần.
Lúc đó giống như là em, trước đó đã chuẩn bị tâm lý về trường hợp tệ nhất có thể xảy ra. Lúc đó nghe kết quả cuối cùng như vậy, em chỉ nghĩ đầu tiên là em phải báo cho gia đình biết. Em đã gọi điện thoại cho em gái em nói là bây giờ em bị ung thư vú rồi, phải chữa thôi. Nhưng mà cùng lúc đó thì em cũng muốn nghe thêm ý kiến thứ hai của một bác sĩ khác nữa về vấn đề chữa trị của mình.
NBBS: Vậy là Trúc đã biết bệnh tình của mình và do có sự chuẩn bị trước, cho nên Trúc đã mạnh mẽ chấp nhận kết quả. Không những vậy mà Trúc còn báo cho mẹ và chị biết về tình trạng của mình, mà Trúc có gợi ý hai người thân này của mình kiểm tra xem họ có bệnh hay không?
Chị Trúc: Dạ có ạ. Mẹ em thì cũng thường xuyên đi kiểm tra. Em gái em thì thua em tới 4 tuổi và em gái em cũng là bác sĩ nữa cho nên lúc mà nghe em có xong thì em gái em ngay thời gian đó cũng đi kiểm tra Ung thư vú. Em gái em với em đều làm kiểm tra xét nghiệm Gen để coi mình có mang gen di truyền hay không.
NBBS: Gen BRCA1 và BRCA2?
Chị Trúc: Dạ.
NBBS: Vâỵ kết quả Trúc có gen đột biến đó hay không?
Chị Trúc: Dạ. Khá là may mắn là cả hai chị em đều không có gen di truyền gây ung thư vú ạ.
NBBS: Còn mẹ Trúc có thử không?
Chị Trúc: Mẹ em thì không thử tại vì mẹ đi tầm soát thường xuyên cho nên mẹ nói không thử.
NBBS: Rồi sau đó quá trình điều trị thì như thế nào vậy Trúc?
Chị Trúc: Đầu tiên bác sĩ có tư vấn là em nên làm gì tiếp theo. Tuy nhiên lúc bác sĩ tư vấn thì em không thoải mái lắm. Tại vì bác sĩ tư vấn giống như là một người bán hàng vậy. Bác sĩ chỉ tập trung vào quá trình mổ tái tạo. Ví dụ bác sĩ vẽ ra cho em những cái hình giống như em muốn tái tạo đẹp như thế nào, nhưng không lại không nói cụ thể về các bước điều trị trước đó. Lúc đó em có mới nói với bác sĩ là em không có quan tâm về tái tạo cho nên bác sĩ hãy nói cho em biết về những bước điều trị cụ thể. Rồi về mặt tài chính như thế nào, tốn hết bao nhiêu tiền, phải chữa hết trong bao nhiêu thời gian tại vì em còn phải sắp xếp công việc nữa. Lúc đó bác sĩ mới nói sơ lược các bước như thế nào. Về vấn đề tài chính lúc đó nó khác là mắc tại vì em phải dùng thuốc Herceptin. Bác sĩ nói ví dụ như là một người bình thường thì tốn tầm 800 triệu. Nhưng mà em biết là em khá là nặng cân nên với em phải trên 1 tỷ bởi vì liều thuốc này tính theo cân nặng của từng bệnh nhân. Lúc đó em cũng lo lắng về tình trạng tài chính của mình.
NBBS: Vậy là quá trình điều trị của Trúc gồm có phẫu thuật trước rồi sau đó sử dụng Herceptin sau khi phẫu thuật?
Chị Trúc: Em phẫu thuật cắt thể bên trái, sau đó hóa trị 6 đợt. Trong thời gian hóa trị thì em sử dụng Herceptin cho đến 52 tuần luôn, hết 1 năm.
NBBS: Vậy là khối u ở bên phải nó khá là nhỏ nên bác sĩ lựa chọn phương pháp bảo tồn Trúc ha?
Chị Trúc: Thực ra bác sĩ cũng không kiểm tra phần bên phải luôn. Bác sĩ nói là nó rất là nhỏ. Nhưng em yêu cầu bác sĩ kiểm tra FNA u bên phải luôn giúp em. Kết quả ra bình thường không có gì hết và bác sĩ nói là em còn trẻ họ muốn giữ lại chứ thực ra bản thân em lúc đó muốn cắt luôn cả hai bên.
NBBS: Như vậy là lúc đầu tiên mà đi siêu âm đó, thì nói là thấy hai khối ở bên phải và bên trái. Nhưng mà lúc đó chỉ làm sinh thiết ở bên trái thôi. Sau khi đã cắt bỏ u bên trái thì với yêu cầu của Trúc, bác sĩ mới làm sinh thiết bên phải. Thì kết quả ra là không phải là ung thư?
Chị Trúc: Trước khi mổ u bên trái thì em có yêu cầu bác sĩ kiểm tra luôn bên phải thì họ làm FNA trước khi mổ.
NBBS: À! Và kết quả không phải ung thư.
Chị Trúc: Dạ đúng rồi!
NBBS: Cảm ơn Trúc! Vậy thì quá trình hóa trị là 52 tuần hả?
Chị Trúc: Dạ hóa trị của em là 6 đợt tầm 4 tháng còn Herceptin là 52 tuần.
NBBS: À, Herceptin mới là 52 tuần. Vậy thì Trúc có thể chia sẻ những tác dụng phụ mà Trúc đã gặp phải trong lúc điều trị hóa trị không?
Chị Trúc: Tác dụng phụ đầu tiên mà em gặp phải là vàonó nhất với em tức là 18 ngày sau khi mà em vô đợt hóa trị đầu tiên. Tóc của em nó bắt đầu nó rụng và da đầu của em nó rất là đau. Cho nên lúc đó em đã quyết định cạo hết tóc luôn để cho nó hết đau đầu. Sau đó, những hóa trị đợt sau, đợt 2, đợt 3 em bắt đầu bị lở miệng, làm cho khi ăn uống hơi khó khăn. Càng về sau như đợt 5 và đợt 6 thì tác dụng phụ ngày càng nhiều, ví dụ như ngoài việc rụng hết tóc thì còn rụng hết luôn chân mày. Với em bị thêm tiêu chảy, rồi em cũng lở miệng nhiều hơn nữa, không những nó lở miệng mà trên nguời cũng có vết loét.
Rồi thêm việc dùng Herceptin nữa. Mà mỗi lần mà vô Herceptin thì em bị mất ngủ, cho nên cứ trước ngày vô Herceptin thì tối em thức tới sáng luôn. Em không ngủ được. Với lại Herceptin có một tác dụng phụ là nó ảnh hưởng tới tim. Cho nên có một lúc là khả năng bơm máu tới tim nó bị giảm, nên nhiều khi em đi lên cầu thang em còn bị mất hơi, và rất dễ bị mệt.
NBBS: Nhưng mà tình trạng tim của Trúc như vậy suốt 52 tuần luôn hay là chỉ giai đoạn đầu?
Chị Trúc: Hầu như nó bị suốt như vậy luôn. Tại vì sau 4 tháng vô hóa trị thì em phải vô Herceptin hằng tuần luôn. Sau khi hóa trị rồi thì em mới đề xuất với bác sĩ vì em biết Herceptin thay vì vô hằng tuần mình có thể cứ 3 tuần mình vô một lần. Như vậy nó sẽ đỡ tốn chi phí. Nó sẽ bớt thời gian em phải vô bệnh viện liên tục. Tại vì cứ mỗi tuần mà em vô thì họ sẽ đâm kim em hai lần. Một lần để kiểm tra máu, một lần để truyền thuốc. Cho nên mạch tay phải của em hầu như te tua hết. Em cũng nói lý do là em muốn giữ mạch tay của em nó không bị tệ hơn nên em quyết định cứ 3 tuần sau đó mới vô lại Herceptin một lần. Dù về tinh thần em cảm thấy đỡ mệt hơn và ngủ tốt hơn, nhưng tình trạng tim của em thì ngày càng tệ. Nhất là tim đập nhanh, lúc mà đi lên cầu thang thì cảm giác càng lúc càng mệt.
NBBS: Vậy thì sau đó bác sĩ và Trúc có kế hoạch nào để giảm bớt các tác dụng phụ ở tim hay không?
Chị Trúc: Bác sĩ lúc đó chỉ nói với em là bây giờ khi mà kiểm tra chức năng tim thì đúng là nó có giảm. Nhưng mà bác sĩ cũng nói bây giờ cứ thử cố gắng xem nó có thể chịu đựng đến mức độ nào. Tới lúc nào đó mà em không chịu được nữa thì có thể dừng. Nên lúc cuối cùng em vô được 49 tuần, chỉ còn 2 tuần nữa thôi nhưng em nói 49 tuần rồi thì có thể dừng ở đây.
NBBS: Vậy là Trúc đã dừng lúc 49 tuần thay vì 52 tuần?
Chị Trúc: Dạ.
NBBS: Mình thực sự trong ngành thì mình chỉ biết là à thuốc này sẽ rất tốt cho bệnh nhân, sẽ giúp cho bệnh nhân vượt qua được bệnh ung thư nhưng đây là lần đầu tiên nghe tâm sự của một bệnh nhân thực sự sử dụng thuốc đó. Nhưng mà cũng không nghĩ là tác dụng phụ nó nhiều như vậy.
Chị Trúc: Em nghĩ rằng em cũng khá là may mắn so với những bệnh nhân khác. Tại vì Herceptin với nhiều bệnh nhân họ còn không có đủ tài chính để mà truyền. Có một số bệnh nhân họ quyết định không truyền luôn. Có một số bệnh nhân thì quyết định chỉ truyền 3 tháng. Cho nên em vẫn thấy là mình khá may mắn khi mà mình đã điều trị Herceptin được 49 tuần.
NBBS: Trúc có cái nhìn rất là lạc quan. Rõ ràng là chúng ta nếu muốn theo đuổi được phác đồ điều trị này thì điều đầu tiên là phải đủ mạnh về tài chính. Thứ 2 là sự kiên trì và sự khao khát muốn hết bệnh hoàn toàn. Và rõ ràng là Trúc đã phải rất cố gắng để vượt qua rất nhiều những tác dụng phụ như vậy.
Mình rất là vui khi thấy Trúc đã gần như hoàn thành gần hêt phác đồ đó. Và từ lúc chẩn đoán cho đến nay cũng đã gần 3 năm. Mình cũng biết Trúc là dược sĩ và có thể tìm hiểu nhiều thông tin, liệu có phải điều đó giúp cho Trúc giữ được tinh thần lạc quan và thái độ tích cực? Rồi có những lúc nào Trúc cảm thấy mất hy vọng không?
Chị Trúc: Lúc em bắt đầu điều trị, gia đình cũng nói là: “Thôi con đừng đi làm nữa, cứ tập trung chữa trị thôi.” Nhưng mà em nghĩ là mình vẫn cứ thử đi, kiểu như là thử thách bản thân cho nên vẫn vừa chữa bệnh vừa đi làm. Em làm từ thứ tư cho đến chủ nhật luôn. Thứ hai em vô thuốc, thứ ba em ở nhà nghỉ ngơi. Thì trong khoảng thời gian đi làm thì em bận rộn hoài. Cho nên em nghĩ là mình không có thời gian để mà nghĩ tới những việc tiêu cực nữa.
Với lại một phần nữa cũng do em có thể chia sẻ về bệnh tình của mình cho bạn bè và gia đình, cũng như tại trường em, với học sinh của em. Mọi người động viên rất là nhiều cho nên thực sự là không có thời gian để mà nghĩ về những điều xấu. Giống như khi mà em bị mất hết tóc rồi, khi em đi làm, em quyết định là em không đội tóc giả, em quấn khăn. Mấy bé ở trên trường có hỏi là tại sao mà quấn khăn vậy, thì em mới nói là tại vì em mất hết tóc, em bị ung thư. Các học sinh của em hầu như đều là học sinh quốc tế. Mấy bé mới nói:“ Trời ơi! Ung thư mà chưa chết hả.” Em cảm thấy là mắc cười thôi. Rõ ràng mình thấy là hiểu biết kiến thức của mọi người về ung thư vẫn chưa đúng cho lắm. Nhiều khi một phần là mọi người hay coi phim Hàn Quốc, nên nghĩ cứ ung thư là chết. Mấy bé nói muốn coi cái đầu trọc của em thử, thì em mới cho mấy bé coi. Xong rồi mấy bé còn vác gương lên cho em quấn khăn lại sau khi em cho mấy bé coi cái đầu trọc của mình. Em nghĩ, nguyên một khoảng thời gian đó em khá là may mắn. Động viên từ gia đình, đồng nghiệp và học sinh rất là nhiều. Vậy nên mình cảm thấy không có thời gian mà nghĩ đến những điều tối tăm.
NBBS: Cảm ơn Trúc rất là nhiều. Thực sự đây là một trong những bí quyết để giữ tinh thần lạc quan mà mình nghĩ các bệnh nhân ung thư vú khác có thể thử. Tức là họ hãy cố gắng giữ công việc và cuộc sống bình thường của mình, hòa nhập với mọi người thì như vậy nó sẽ giúp người ta quên đi những đau đớn, những tác dụng phụ hay là căn bệnh mà mình đang có. Để thứ nhất là vừa cảm thấy họ vẫn như những người bình thường, vẫn đi làm. Thứ hai là công việc đó vẫn tiếp tục giúp cho họ có đủ tài chính để điều trị. Mình rất vui khi biết là Trúc có phương pháp rất hay như vậy và rất mong là thính giả của Podcast NBBS sẽ có thể hiểu hơn về cách thức này và có thể áp dụng cho chính bản thân họ. Dưới góc nhìn của một bệnh nhân thì điều mà chị Trúc mong muốn hệ thống y tế ở Việt Nam nói chung và nhân viên y tế nói riêng cần cải thiện hơn trong chăm sóc bệnh nhân ung thư là gì, Trúc có thể chia sẻ với mọi người được không?
Chị Trúc: Dạ! Khi mà em còn học dược sĩ ở bên Anh, tất cả dược sĩ hay bác sĩ đều được dạy về cách tư vấn cho bệnh nhân và cách giúp đỡ bệnh nhân rất là toàn diện. Đầu tiên là chữa bệnh, sau đó là hỗ trợ về tâm lý, rồi có thể refer (giới thiệu bệnh nhân) tới các tổ chức mà có thể hỗ trợ bệnh nhân. Tuy nhiên ở Việt Nam thì bệnh nhân lại không có những sự hỗ trợ này. Cho nên thường bệnh nhân cảm thấy khá là cô đơn. Em hi vọng là trong tương lai thì các bác sĩ ở Việt Nam mình, và ngành y tế ở Việt Nam sẽ hỗ trợ các bệnh nhân nhiều hơn nữa. Về các mặt khác như về mặt tâm lý, về mặt dinh dưỡng hoặc là có thể giới thiệu cho các bệnh nhân các tổ chức mà có thể giúp đỡ các bệnh nhân ung thư vú. Em nghĩ những việc đó sẽ giúp ích các bệnh nhân rất là nhiều.
NBBS: Cảm ơn Trúc rất nhiều. Giống như là ngoài các chương trình chính để chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện thì các nhân viên y tế hay là những người lãnh đạo có thể phát triển thêm những hệ thống nâng đỡ bệnh nhân. Như là những người chuyên gia về dinh dưỡng giúp thiết kế chương trình dinh dưỡng cho từng loại bệnh hay những chuyên gia tâm lý để cho bệnh nhân đến tâm sự. Tại vì khi biết mình mắc bệnh nan y như vậy thì ai cũng có thể sụp đổ tinh thần và có thể khi người ta sụp đổ tinh thần thì chuyện chiến đấu để tiếp tục sống nó khó khăn vô cùng. Và ý chí lại là yếu tố quyết định hơn những cái khác. Khi mà mình không bỏ cuộc thì niềm hy vọng để mình hết bệnh sẽ cao hơn là khi mình tuyệt vọng. Cuối cùng thì Trúc có biết những tổ chức hay là hội nhóm nào đang giúp đỡ hoặc ủng hộ về tinh thần hoặc là tài chính cho những bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư vú để chia sẻ với thính giả của Podcast NBBS được không?
Chị Trúc: Hiện tại, từ lúc mà em phát hiện mình bị ung thư vú thì em tham gia vào Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam gọi là BCNV. Năm ngoái khi em là một trong những đại sứ của tổ chức này, thì em cũng chia sẻ với truyền thông về câu chuyện của mình và cũng giúp gây quỹ cho tổ chức này. Em cũng tìm hiểu về tổ chức này khá là nhiều. Đây là một tổ chức rất uy tín. Em nhận thấy những thông tin và sự hỗ trợ họ cung cấp cho bệnh nhân là rất tốt. Tổ chức họ đang xây dựng website cung cấp những thông tin cho bệnh nhân. Em đọc cảm thấy rất hay và tin tưởng được. Tại vì thật ra bệnh nhân ở Việt Nam có rất nhiều nhóm ở trên mạng hoặc Facebook để chia sẻ thông tin mà phần lớn lại chưa chính xác lắm. Cho nên nhiều khi bệnh nhân họ cứ lan truyền cho nhau và em thấy những thông tin đó là sai. Ví dụ như có một lần em đọc, có một người chị chia sẻ là nếu như mỗi ngày uống hai muỗng dầu ôliu sẽ chữa hết bệnh ung thư. Bình thường em không có bao giờ bình luận ở trên Facebook đâu nhưng lúc đó em thấy tại sao lại nói như vậy, nên em phải để lại bình luận nói rằng thông tin này là hoàn toàn không đúng và không có bằng chứng khoa học. Em thấy nếu như mình có thể giúp cho bệnh nhân tìm đến những website có thể tin tưởng được thì rất hay. Một trong những website đó là Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam. Bên cạnh đó thì Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam cũng những hoạt động giúp đỡ bệnh nhân như cho bệnh nhân ung thư vú mượn tóc giả miễn phí trong suốt thời gian mà họ đang chữa trị bệnh. Không phải chỉ là bệnh nhân ung thư vú mà tất cả các bệnh nhân ung thư của các loại khác nữa thì cũng có thể mượn tóc ở đây dùng. Và hằng năm họ cũng làm các hoạt động gây quỹ cho các bệnh nhân. Em thấy điều này hỗ trợ cho các bệnh nhân về mặt tinh thần rất rất nhiều.
NBBS: Có cách nào để bệnh nhân liên lạc được với nhóm mà Trúc đã vừa giới thiệu không? Trúc nói là website thì đang xây dựng vậy thì có cách nào để họ tìm được không?
Chị Trúc: Dạ! Thật ra website thì đã có rồi, nhưng mà ý em là họ đang xây dựng thêm. Họ cũng có trang Facebook chính thức cũng tên là Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam (BCNV)
Website: https://bcnv.org.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/bcnvietnam/
NBBS: Cảm ơn Trúc! Vậy là cách mọi người có thể biết về tổ chức này là vào website đó, rồi liên hệ thêm với những người trong tổ chức. Theo Trúc nói là thông tin từ Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam là khá chính xác. Bệnh nhân vào đó tìm hiểu thông tin sẽ tốt hơn là đọc trên những trang mạng khác mà thông tin chưa được xác nhận. Vậy thì làm sao để mọi người tin được là thông tin trên trang web đúng. Có phải những thông tin đó đã được cố vấn hay là xác nhận bởi các bác sĩ chuyên ngành?
Chị Trúc:Mạng lưới Ung Thư Vú Việt nam là một tổ chức đã được cấp giấy hoạt động ở Việt Nam. Và các bài viết của Mạng Lưới Ung Thư Vú thì đều có sự cố vẫn của các bác sĩ ở Bệnh Viện Ung Bướu và các bác sĩ chuyên về ngành ung bướu ở Việt Nam. Các bác sĩ đều tham gia hỗ trợ và cố vấn cho chương trình này. Cho nên em thấy thông tin rất là chính xác. Các bạn ở trong tổ chức này cũng thường xuyên cố gắng cập nhật thông tin mới nhất.
NBBS: Cảm ơn Trúc rất nhiều về thông tin đó và cảm ơn một lần nữa cho buổi trò chuyện ngày hôm nay. Những điều mà Trúc đã chia sẻ với thính giả rất là quý giá. Quá trình từ chẩn đoán, điều trị, rồi sau điều trị đến bây giờ có thể giúp cho thính giả – những người nếu như đang ở giai đoạn đầu hay là đang vượt qua thử thách. Hy vọng họ có thêm niềm tin, động lực cũng như là có kiến thức để vượt qua căn bệnh rất nguy hiểm này.
Chị Trúc: Em cũng rất cảm ơn chị Ngọc và các bạn đã xây dựng chương trình Podcast NBBS. Theo em nghĩ thì mọi người nếu mà trong trường hợp rất là xui rủi là mình có phát hiện ra ung thư thì cứ tự tin sống và chia sẻ cho những người xung quanh thì mình sẽ được sẻ chia. Vì có thể ở Việt Nam mình vẫn còn có một cái nhìn không tốt về ung thư. Ví dụ có nhiều người nói là ung thư có thể là mình đã làm việc gì sai ở kiếp trước cho nên kiếp này mình phải trả, nhưng thực ra điều i đó không đúng. Cho nên em cũng rất vui khi chia sẻ câu chuyện này đến với mọi người và để truyền cảm hứng đến mọi người để tự tin sống hơn.
NBBS: Cảm ơn Trúc một lần nữa nhé. Và tiếp theo chúng ta sẽ có một bài Podcast với bác sĩ chuyên về lĩnh vực ung thư vú, để hi vọng chúng ta có thêm những thông tin, những lời khuyên từ bác sĩ sau khi chúng ta đã nghe câu chuyện của chị Trúc. Và một lần nữa cảm ơn chị Trúc. Mong sẽ gặp lại các bạn trong các podcast tiếp theo.
Chị Trúc: Dạ em cảm ơn chị Ngọc và cảm ơn các bạn thính giả đã lắng nghe.